Với 360 trang sách, tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời nhân vật chính - Mười Lượng, một người lính từ du kích tham gia bộ đội chủ lực, trở thành chiến sĩ trinh sát của một tiểu đoàn, bị thương tưởng chừng khó có thể qua nổi, không ngờ vẫn sống để rồi lần lượt đi làm công tác dân vận ở các buôn làng bà con dân tộc M’nông, sau này trở thành Trung đội trưởng Trung đội Cận vệ bảo vệ quân khu, tiếp đó đảm nhiệm chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát và tiếp nữa là Phó ban Quân báo quân khu… Trong cảnh đói khổ, bệnh tật, bom đạn, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, song với tính tình xông xáo, ngay thẳng, Mười Lượng đã cùng các đồng đội liên tục vượt qua những thử thách, lập nhiều chiến công trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt của chiến tranh. Chưa hết, bao nhiêu tình huống diễn ra, chi phối, nào chuyện gia đình ở quê, chuyện liên quan đến người vợ sắp cưới, cả những chuyện xuất phát từ tính hẹp hòi, ích kỷ ở một số lãnh đạo…, bắt buộc Mười Lượng phải tìm cách chống chọi, đấu tranh để vươn lên, tồn tại.
Viết về chiến tranh, về người lính, có một thời, nhiều tác giả đã thiên về xu hướng ngợi ca. Nguyễn Minh Ngọc trong “Miền cỏ tranh” không theo lối mòn ấy. Nội dung trong tiểu thuyết của ông được thể hiện khá đa chiều, khi nói về cuộc chiến, khi nói về tình yêu, tình đồng đội, đồng bào. Dù là chính hay phụ, nội tâm của các nhân vật luôn được đào sâu ở cả hai bình diện, cả cái tốt và cái chưa tốt, cái hoàn thiện hay chưa hoàn thiện ở quân ta đều được anh mổ xẻ, đề cập làm cho giá trị về bức tranh hiện thực trở nên sâu đậm. Ở đây có không ít con người dũng cảm, kiên định hết lòng vì đơn vị, vì cách mạng, nhưng cũng có kẻ khoác lác, có vị cấp trên không gương mẫu… Điều đặc biệt ở “Miền cỏ tranh” đó là bối cảnh diễn ra ở tiểu thuyết khá dài, trong không gian rộng gắn liền với nhiều chiến dịch, nhiều sự kiện lớn mang tính sử thi, nhưng không vì thế mà tác phẩm bị khô cứng. Cùng với kết cấu khá chặt chẽ, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã tỏ ra khá điêu luyện khi kết hợp hài hòa giữa yếu tố tả thực xen kẽ sự hồi tưởng của những nhân vật được tiểu thuyết hóa, với nhiều chi tiết, tạo nên sự mềm mại xuyên suốt tác phẩm.
Nguyễn Minh Ngọc là nhà văn quân đội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là người có nhiều năm sống, làm việc tại Nha Trang và sinh hoạt ở Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa trước khi chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh. Ngoài các kịch bản phim, ông đã có 16 tác phẩm được xuất bản, ra mắt công chúng thuộc các thể loại: Tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập bút ký. “Miền cỏ tranh” ra đời là sự bứt phá mới của Nguyễn Minh Ngọc. Tiểu thuyết này tựa như khúc hát viết về người lính, trong đó nội dung được khắc họa rất sống động, đa chiều và khá cuốn hút.
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/mien-co-tranh-va-khuc-hat-da-chieu-ve-nguoi-linh-9a8214e/
Bình luận (0)