Bà con dân tộc thiểu số ở xã Động Đạt (Phú Lương) nhận trâu sinh sản theo Dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). |
Cuối năm 2024, 12 hộ nghèo và cận nghèo người dân tộc Mông ở 2 xã Phú Đô và Động Đạt (Phú Lương) được hỗ trợ trên 110 con giống sinh sản, kèm theo máy thái thức ăn và thức ăn chăn nuôi, với tổng giá trị hơn 600 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực, tạo động lực để người dân chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cụ thể, tại xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, 8 hộ nghèo và cận nghèo thuộc Tổ cộng đồng chăn nuôi thâm canh bò sinh sản được hỗ trợ 17 con bò cái. Còn tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, 4 hộ thuộc Tổ cộng đồng chăn nuôi dê sinh sản được cấp 94 con dê giống.
Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Đàn dê của các hộ ở xóm Đồng Tâm đã sinh sản lứa đầu tiên; đàn bò của các hộ dân ở xóm Phú Thọ cũng đồng loạt mang thai. Hiện các xã đang tiếp tục hỗ trợ người dân đợt thức ăn chăn nuôi tiếp theo, bảo đảm đàn gia súc phát triển ổn định.
Anh Sầm Văn Pai, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt - một trong những hộ được hỗ trợ chăn nuôi dê sinh sản, vui mừng chia sẻ: Bây giờ tôi đã biết về kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Đàn dê đẻ lứa đầu tiên, dê non đều mạnh khỏe. Hướng thoát nghèo của gia đình đã được mở ra.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt, cho biết: Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê sinh sản hiệu quả, xã đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện tiến hành khảo sát thực tế từng hộ, xác định nhu cầu và khả năng phát triển sản xuất. Từ đó tư vấn thành lập các tổ cộng đồng chăn nuôi và tổ chức tập huấn kỹ thuật kết hợp tham quan mô hình sản xuất hiệu quả ở các tỉnh khác. Nhờ vậy, người dân khi nhận hỗ trợ đã có thể bắt tay ngay vào chăn nuôi với hiệu quả cao.
Sản phẩm bánh gio của đồng bào dân tộc huyện Phú Lương được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. |
Huyện Phú Lương có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung chủ yếu ở các xã Yên Trạch, Phú Đô, Động Đạt... Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào, huyện đã cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương và của tỉnh bằng nhiều đề án, kế hoạch phù hợp với đặc thù địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, Phú Lương đã phân bổ trên 14,5 tỷ đồng để triển khai các dự án giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS. Trên 1.000 hộ đã được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp.
Huyện cũng xây dựng và nhân rộng 15 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: chăn nuôi gà thả vườn, lợn sinh sản, trồng chè hữu cơ, cây ăn quả theo chuỗi giá trị…
Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, Phú Lương cũng đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho người dân. Từ 2021 đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức trên 50 lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh…, thu hút trên 1.500 lượt người tham gia.
Các loại nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phú Lương được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. |
Từ những lớp tập huấn này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Giai đoạn 2022-2024, chỉ riêng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn huyện có 1.030 hộ nghèo và cận nghèo được vay tổng cộng gần 73 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp với trình độ và điều kiện thực tế. Đồng thời chú trọng nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả ngay trong từng địa phương để tạo lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, nhấn mạnh: Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS không chỉ mang tính chất hỗ trợ trước mắt, mà còn là giải pháp căn cơ, lâu dài để giúp người dân chủ động vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Đây là yếu tố then chốt góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dDTTS và miền núi.
Với phương châm "Dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển", huyện Phú Lương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,28%, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/ho-tro-sinh-ke-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-b7a25bd/
Bình luận (0)