Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nông thôn, giúp nông dân từng bước tham gia vào thị trường toàn cầu. Sau thời gian triển khai, chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Quyết định 148), cần được hoàn thiện để phù hợp hơn với năng lực quản lý tại địa phương; đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm OCOP.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "OCOP không chỉ là sản phẩm đặc thù địa phương mà cần vươn tầm trở thành thương hiệu hàng hóa quốc gia". Các sản phẩm nếu đạt chuẩn quốc gia phải được bảo vệ, hỗ trợ mở rộng thị trường quốc tế. Do đó, việc đánh giá, công nhận cần được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, khách quan và thống nhất.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 76,2% là sản phẩm 3 sao, 22,7% là 4 sao và 126 sản phẩm đạt 5 sao – được công nhận là sản phẩm quốc gia. Có tổng cộng 9.822 chủ thể OCOP, trong đó 32,9% là hợp tác xã, 25,3% là doanh nghiệp nhỏ, 33,5% là hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh và phần còn lại là tổ hợp tác. Đáng chú ý, có tới 40% chủ thể là phụ nữ và 17,1% là người dân tộc thiểu số. Hiện hơn 3.000 hợp tác xã đã tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP ngày càng đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phù hợp thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn tồn tại một số khó khăn như thiếu cán bộ chuyên môn, hạn chế trong tiếp cận tín dụng, công nghệ và vùng nguyên liệu ổn định...

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị sửa đổi Quyết định 148 theo hướng chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao nhằm bảo đảm tính thống nhất, khách quan và nâng cao uy tín thương hiệu.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh có thể được phân cấp nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện tổ chức và năng lực chuyên môn.

Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng, việc giao thẩm quyền cho cấp tỉnh là cần thiết để bảo vệ uy tín thương hiệu OCOP – vốn đang được định vị là thương hiệu quốc gia, mang giá trị kinh tế, văn hóa và đối ngoại. 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất chủ trương đánh giá sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên do cấp tỉnh thực hiện; đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định 148, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, tránh để xảy ra khoảng trống chính sách.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và địa phương xây dựng Chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ các yếu tố như chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng, có quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thương mại điện tử.

“Sản phẩm OCOP phải mang thương hiệu Việt Nam, được bảo vệ và quảng bá bằng chính sách phù hợp. Mỗi sản phẩm cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử, vệ sinh an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, chuyển đổi số", Phó Thủ tướng mong muốn và nêu rõ, mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu.

Theo baotintuc.vn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/hoan-thien-bo-tieu-chi-ocop-theo-huong-xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-dap-ung-yeu-cau-moi-155339.html