Thực tại bình tâm
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm Sắc và Không (đang diễn ra tại Không gian Nghệ thuật Chillala) của họa sĩ Trần Trung Lĩnh, thu hút người xem bởi lời giới thiệu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, câu chú niệm trong Bát Nhã Tâm Kinh, được hiện hình qua từng lớp màu, từng đường cọ của họa sĩ. Ở phần đầu triển lãm, tranh đầy sắc độ, hình ảnh mạnh mẽ, nhiều chuyển động, nhưng càng đi sâu, sắc độ mờ dần, hình ảnh giản lược, và cuối cùng là những mảng đen trắng, yên tĩnh như tâm thức buông bỏ, không còn nắm giữ.

Đây cũng là một xu hướng hội họa, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch, nhiều họa sĩ chọn lối sáng tác này. Từ tranh thủy mặc phương Đông, đến sumi-e (tranh mực của Nhật Bản được biết đến như một dòng thiền họa), đến nghệ thuật trừu tượng phương Tây, nhiều nghệ sĩ đã từng sử dụng sự giản lược như một con đường đến cái vô hạn - nơi nghệ thuật không chỉ để ngắm, mà để tỉnh thức. Họa sĩ Trần Trung Lĩnh phân tích: “Tác phẩm không đơn thuần là nghệ thuật thị giác, mà là một ẩn dụ của tâm thức: khi sắc màu tan rã, người xem đối diện với sự lặng im - không phải cái trống rỗng, mà là cái tròn đầy của nhận thức”.
Họa từ nội tâm thường được nhiều người hiểu đó là cách thiền họa, nhưng có chạm tới thiền hay không, với họa sĩ Trần Trung Lĩnh, đó là chiêm nghiệm của riêng bản thân. Anh bày tỏ: “Mong ước được giãi bày qua tranh, khiến người xem cảm thụ và có chung cảm giác thực tại bình tâm, là mong muốn lớn nhất của triển lãm này. Tôi tạm mượn triết lý Phật giáo cho loạt tranh này, một phần vì mình cảm thấy tâm trí đang ngả về lối suy nghĩ như vậy, một phần vì cũng có những biến cố trong cuộc sống khiến mình tạm “ngộ” ra như vậy. Tuy nhiên, tranh chỉ hầu dựa vào ý chứ không mô tả Bát Nhã Tâm Kinh”.
Soi chiếu chính mình
Trước đó, triển lãm Phụ nữ vẽ về phụ nữ vừa diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM, giới thiệu những tác phẩm đi sâu vào nội tâm, người vẽ như soi rọi chính mình để gửi đi những thông điệp dịu dàng và chữa lành tâm hồn nơi người xem. Triển lãm đặt ra một tình huống đặc biệt - nơi chủ thể sáng tạo và đối tượng thể hiện là một, và cũng là nơi mà người phụ nữ chọn tự kể lại mình, thông qua những góc nhìn cá nhân, trung thực và đầy tính khám phá.
Với 69 tác phẩm trưng bày như lời tự bạch của 9 nữ họa sĩ tham gia triển lãm, như những mảnh nhật ký thầm thì, hé lộ nguồn cội sáng tác, những trăn trở và niềm tin âm ỉ cháy trong từng nét cọ, màu sắc của chính mình. Những lời thì thầm ấy mời gọi người xem chậm lại, lắng nghe - để không chỉ thấy tranh, mà còn cảm tranh bằng trái tim, nơi màu sắc không chỉ là màu, mà còn là cảm xúc sống động; nơi hình thể không chỉ là hình, mà còn là hồi âm từ bên trong.
Họa sĩ Đặng Hiền, một trong 9 nữ họa sĩ tham gia triển lãm, bày tỏ: “Phái nữ luôn hiện diện như một nguồn sống, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, mong manh mà bền bỉ. Họ là cảm hứng, là nơi nghệ thuật của tôi bắt đầu. Mỗi tác phẩm là hành trình cá nhân, nơi tôi chạm vào ký ức, tìm thấy mẹ trong tôi, và đối thoại với chính mình. Ở đó có tổn thương, có khát khao, nhưng cũng đầy ánh sáng, tình yêu và lòng biết ơn. Tôi vẽ để chia sẻ, để kết nối và chữa lành. Nếu ai đó tìm thấy sự an yên trong tác phẩm của tôi, thì nghệ thuật đã trọn vẹn”.
Hay họa sĩ Nguyễn Thùy Dương, một bà mẹ có 4 đứa con, tác phẩm của chị thể hiện một phần trong đời sống của chính mình, với hình ảnh thiên chức của người phụ nữ mang thai - sinh con, được tạo hình tối giản. Những đường cong căng tròn là biểu tượng phồn thực trong ngôn ngữ tạo hình đương đại, người phụ nữ mang thai hiện lên như trung tâm của sự sống, của chuyển hóa và sinh sôi.
Họa sĩ Thùy Dương chia sẻ: “Với tôi, vẻ đẹp khi mang bầu không chỉ ở hình thể tròn đầy, mà còn là sự nở rộ của nội tâm, nơi ẩn chứa năng lượng sáng tạo, yêu thương và thiêng liêng. Tôi tin rằng, khi hiện diện trong không gian sống, những tác phẩm này sẽ lan tỏa sinh khí, tình yêu và kết nối sâu sắc với cội nguồn làm người. Đây không phải là một triển lãm để ngưỡng mộ cái đẹp, mà là không gian để người ta đồng cảm, soi chiếu, và tìm thấy chính mình trong những điều tưởng như thuộc về người khác”.
Cuộc thi Bác Hồ trong trái tim tôi lần 4 năm 2025
Nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định ý nghĩa to lớn, giá trị thực tiễn, sức lan tỏa của việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường và cộng đồng, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi Bác Hồ trong trái tim tôi lần 4 năm 2025 dành cho bạn đọc thuộc hệ thống của thư viện.
Theo đó, bạn đọc chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách, tác phẩm được phép lưu hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc của các tác giả khác viết về Người, đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức, định hướng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài dự thi gồm các hình thức: bài viết cảm nhận, video clip (do chính thí sinh thể hiện), tranh vẽ (chưa từng được công bố)… Vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra từ nay đến ngày 15-6. Các tác phẩm đạt yêu cầu sẽ tham dự vòng chung kết cuộc thi. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào ngày 18-7. Thí sinh gửi bài dự thi theo địa chỉ: phongdoc@thuvientphcm.gov.vn. Tham khảo thêm thông tin về cuộc thi tại website: https://thuvientphcm.gov.vn.
HỒ SƠN
TPHCM tổ chức trình diễn nghệ thuật công cộng bằng công nghệ Video Art
UBND TPHCM vừa có văn bản đồng ý đề xuất của Sở VH-TT TPHCM về phương án xã hội hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và thương hiệu nghệ thuật TPHCM bằng công nghệ trình diễn Video Art, đa giác quan. Việc tổ chức các hoạt động quảng bá sẽ do Công ty TNHH TMDV Nghệ thuật Sáng Tạo thực hiện. Thời gian tổ chức từ nay đến hết Tết Nguyên đán Bính Ngọ 2026, tại Công viên 23-9, khu vực nhà ga metro Bến Thành (khu A).
Theo đó, Sở VH-TT TPHCM chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, có tiến độ thời gian về tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật thành phố giai đoạn 2025-2027, kết hợp nội dung, hình thức về quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và thương hiệu nghệ thuật. Xây dựng phương án tổ chức Không gian sáng tạo nghệ thuật “Tinh hoa tỏa sáng” nhằm tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật thành phố, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ giá trị nghệ thuật trong đời sống xã hội.
THIÊN BÌNH
Chương trình nghệ thuật Hòa nhạc thính phòng
Tối 25-5, tại Nhà hát thành phố, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật Hòa nhạc thính phòng. Chương trình gửi đến khán giả yêu thích nhạc cổ điển những tác phẩm âm nhạc đặc sắc của các nhà soạn nhạc lừng danh thế giới như: Wolfgang Amadeus Mozart, Gaetano Donizetti, Dmitri Shostakovich, Camille Saint-Saens hay Johann Sebastian Bach… Các tác phẩm sẽ đưa khán giả đến với những cung bậc cảm xúc đa dạng, từ thư thả nhẹ nhàng đến những giai điệu mạnh mẽ, sôi nổi.
Buổi hòa nhạc có sự tham gia của NSƯT Phạm Khánh Ngọc (soprano), NSƯT Tăng Thành Nam (violin), A Tách (fagot), Trần Thụy San (piano), Nguyễn Trương Hoàng Yến (flute), Hoàng Ngọc Anh Quân (clarinet), Phạm Khánh Toàn (oboe), đặc biệt là sự tham gia của hai nghệ sĩ khách mời: Nguyễn Hoàng Tùng (oboe) và nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Ju Sun Young (piano). Ju Sun Young là nghệ sĩ piano có nhiều kinh nghiệm biểu diễn tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới. Ju từng giảng dạy piano tại Đại học Tabor, Hoa Kỳ và có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn piano của Đại học Kansas, Hoa Kỳ.
Chương trình nghệ thuật Hòa nhạc thính phòng là một trong những nỗ lực của HBSO nhằm nâng cao chất lượng, hướng đến nghệ thuật chất lượng cao. Các chương trình đều có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và các nước trên thế giới, giúp làm phong phú, đa dạng các chương trình nghệ thuật, tạo thêm nhiều cơ hội để các nghệ sĩ HBSO được giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của đông đảo khán giả TPHCM.
THÚY BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hoi-hoa-cham-ngo-noi-tam-post796276.html
Bình luận (0)