Hôm nay là ngày cuối đăng ký xét tuyển đại học 2025. (Ảnh: Phạm Hải) |
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban tuyển sinh - hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, với Hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ cần thực hiện đúng 3 thao tác: Nhập thứ tự nguyện vọng; Chọn trường; Chọn ngành học. Sau đó ấn lưu là hoàn tất.
Ông Hải nói: “Còn lại, Hệ thống của Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm xét tuyển cho từng nguyện vọng thí sinh đã đăng ký. Đối với mỗi nguyện vọng, hệ thống sẽ tính toán và tự chọn ra điểm nào thí sinh đạt cao nhất để dùng xét tuyển. Như vậy, thí sinh không cần phải đăng ký tổ hợp, đầu điểm các kỳ thi... Nhiệm vụ này hệ thống phần mềm sẽ tính hộ thí sinh. Đảm bảo 100% rằng không có thí sinh nào bị chọn tổ hợp hay cách tính điểm thấp hơn để xét tuyển".
Trong khi đó, GS. Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nếu như một ngành xét tuyển bằng 4-5 tổ hợp hoặc nhiều phương thức thì Hệ thống của Bộ sẽ tự động chọn tổ hợp/phương thức nào có điểm cao nhất của thí sinh để xét.
GS Thảo lưu ý, việc xét tuyển của các trường là độc lập và chỉ mang tính chất tham khảo với riêng trường đó. Việc đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT là bắt buộc, là cuối cùng. “Nếu thí sinh đăng ký ở hệ thống của trường mà không đăng ký ở cổng xét tuyển của Bộ GD&ĐT thì cũng không có ý nghĩa. Trường hợp các thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng nào đó trên hệ thống của trường vẫn có thể đăng ký trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT và đây được xem là kênh chính thức của tất cả”, ông Thảo nói.
Theo ThS. Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho hay, chiến lược lựa chọn và đặt thứ tự nguyện vọng xét tuyển đại học rất quan trọng.
Trước hết, khi đặt nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể chia làm 3 nhóm nguyện vọng. Thứ nhất là nhóm an toàn - có thể đặt 3 nguyện vọng ở dưới cùng. “Chúng ta có thể xem qua những ngành/chương trình nào trong những năm trước có điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn so với mức điểm mình có”, bà Hà nói.
Thứ hai là nhóm mục tiêu, "vừa sức" với tổng điểm mình có. Ở nhóm này, các thí sinh có thể đăng ký 3 nguyện vọng hoặc nhiều hơn. Thứ ba là nhóm "mơ ước", gồm 3-4 nguyện vọng vào những ngành/trường mình thích nhưng điểm chuẩn năm ngoái có thể cao hơn một chút so với mức điểm chúng ta có. Những nguyện vọng này đặt ở trên cùng.
Ngoài ra, theo bà Hà, khi đặt nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển, đừng giới hạn, chọn quá ít nguyện vọng. “Hệ thống của Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng, quan trọng là chúng ta thấy phù hợp”, bà Hà cho hay.
Đặc biệt, bà Hà cho rằng, thí sinh nên đặt nguyện vọng theo thứ tự yêu thích. “Tức là các em yêu thích nguyện vọng nào nhất thì hãy đặt lên trên cùng, rồi lần lượt theo mức độ giảm dần. Bởi hệ thống sẽ xét lọc từ trên xuống dưới”, bà Hà khuyên.
Nguyên tắc cuối cùng là thí sinh không nên chỉ tập trung vào một trường. “Ví dụ, thí sinh yêu thích khối ngành kinh tế - kinh doanh, có thể đặt nguyện vọng vào các ngành của Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính...”, bà Hà nói.
Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 của Bộ GD&ĐT, từ ngày 13/8 đến 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo sẽ tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên Hệ thống; điểm các kì thi… (nếu có) và tổ chức xét tuyển. Bộ GD&ĐT cũng xử lý trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Đến 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống. Rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung. Các cơ sở đào tạo sẽ thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 22/8. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống trước 17h ngày 30/8. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/hom-nay-la-ngay-cuoi-dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-2025-thi-sinh-can-luu-y-gi-322554.html
Bình luận (0)