Diễn ra trong hai ngày 12-13/5, khóa học "Đạo đức AI" được tổ chức dựa trên sự hợp tác giữa Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) và Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn 1 năm chuẩn bị.
Theo ông Lê Linh Lương Phó Viện trưởng ABAII, Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2021 Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực về đạo đức, quản trị rủi ro và chính sách AI cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý và nhà phát triển.
Vì vậy, khóa học này là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng hệ sinh thái AI có trách nhiệm và phù hợp với bối cảnh pháp lý, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Bà Elenita Tapawan - Giám đốc phụ trách các Trung tâm Hoa Kỳ tại Việt Nam - phát biểu khai mạc khóa học. Ảnh: BTC
Thông tin thêm về khóa học, bà Elenita Tapawan - Giám đốc phụ trách các Trung tâm Hoa Kỳ tại Việt Nam – cho biết: “Học viên không chỉ được tìm hiểu thuật, toán, dữ liệu mà còn củng cố khả năng đưa ra quyết định minh bạch, công bằng, có trách nhiệm, lấy con người làm trung tâm”.
Đặc biệt, khóa học phản ánh mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trong các lĩnh vực về giáo dục, đổi mới và công nghệ tiên tiến, từ các chương trình nghiên cứu chung đến trao đổi sinh viên.
Trong bối cảnh hiện tại, khi AI len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, vấn đề đạo đức AI không còn là lựa chọn mà là yêu cầu cấp thiết.
Nếu không được thiết kế và vận hành theo các nguyên tắc đạo đức rõ ràng, chúng ta đối mặt với nguy cơ thiên lệch về thuật toán, xâm phạm quyền riêng tư, mất mát dữ liệu và hệ lụy khó lường trong xã hội và pháp lý.
Với phần hỏi – đáp trực tiếp với đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước trong suốt khóa học, các học viên, gồm kỹ sư công nghệ, nhà phát triển AI, cán bộ quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và giảng viên, được tìm hiểu một cách sâu sắc về ba chủ đề chính, gồm: Các nguyên tắc đạo đức trong phát triển AI; Khung trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm; Quy định về AI tại Hoa Kỳ, phân tích đối chiếu với chính sách AI châu Âu.
AI an toàn không tự nhiên mà có
Là một trong các giảng viên của khóa học, ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên ABAII chỉ ra, “AI không có lương tâm, cảm xúc, luân lý. Các vấn đề về đạo đức đều do con người đưa vào AI”.
Thông qua các kịch bản giả định trong lĩnh vực giao thông, y tế, tuyển dụng, ông Thành làm rõ vấn đề khi phát triển và ứng dụng AI: ưu tiên pháp lý hay ưu tiên đạo đức.
Chuyên gia nhấn mạnh, hệ thống AI an toàn không tự nhiên mà có và nguyên tắc cơ bản nhất khi phát triển hệ thống AI là không gây hại (do not harm). Từ đây, ông đề xuất 7 nguyên tắc đạo đức AI dựa trên tham khảo các nước và khu vực, bao gồm: hệ thống an toàn và hiệu quả; quyền riêng tư dữ liệu; bảo mật, tính bền vững và độ tin cậy; khả năng giải thích; trách nhiệm giải trình; tăng trưởng, phát triển bền vững và nâng cao phúc lợi; quyền tự chủ của con người.
Ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên ABAII - nhấn mạnh hệ thống AI an toàn không tự nhiên mà có. Ảnh: BTC
Theo ông Thành, để phát triển hệ thống an toàn, hiệu quả, cần phát triển AI với sự tham gia của cộng đồng và chuyên gia, ưu tiên an toàn công cộng; chỉ sử dụng dữ liệu phù hợp và chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm; đảm bảo thử nghiệm và giám sát liên tục, cung cấp đánh giá độc lập và báo cáo minh bạch để duy trì tính hiệu quả và an toàn của hệ thống AI.
Chia sẻ bên lề khóa học, bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển mạng lưới Tổ chức giáo dục InterEdu - Đối tác đào tạo toàn cầu của Microsoft tại Việt Nam, cho rằng đạo đức AI là chủ đề rất đáng quan tâm hiện nay. Giữa lúc người dùng AI đang gia tăng và khóa học về AI như “nấm mọc sau mưa”, khóa học về đạo đức AI chưa được quan tâm đúng mức, dù đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi khi làm việc với AI.
Bà xem khóa học là cơ hội để học hỏi và có cái nhìn bài bản về đạo đức AI, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và từ các tổ chức đang thực hành, triển khai thực tế.
“Chúng ta đều đang trong quá trình tìm hiểu về AI và phải đón nhận nó với tâm thể học tập cởi mở, bắt từ bước đi nhỏ, đúng và bền bỉ, không dừng bước”, bà nêu quan điểm.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/khai-giang-khoa-hoc-dao-duc-ai-dau-tien-tai-viet-nam-2400244.html
Bình luận (0)