Định hình không gian phát triển mới
Trước khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (cũ) có diện tích tự nhiên khoảng 822,7 km², dân số hơn 1,5 triệu người. Đây là địa phương có hạ tầng kỹ thuật phát triển, mật độ đô thị hóa cao và tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Yên Phong, Quế Võ... Đất nông nghiệp chiếm khoảng 54%, còn lại là đất phi nông nghiệp; diện tích rừng khá thấp. Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang có quy mô rộng gần gấp 4,7 lần, khoảng 3.895 km², với dân số hơn 2,1 triệu người. Tỉnh có quỹ đất lâm nghiệp dồi dào chiếm 28,9%, đất nông nghiệp chiếm 32,4% tổng diện tích đất tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và công nghiệp điện tử – với sự hiện diện của các tập đoàn như Foxconn, Luxshare, JA Solar...
Khu công nghiệp Yên Phong 1 thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Thái Uyên. |
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh Bắc Ninh có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.718 km², dân số hơn 3,6 triệu người, trở thành một trong những địa phương đông dân nhất cả nước. Sự kết hợp giữa vùng phát triển hạ tầng hiện đại và khu vực giàu tài nguyên, sinh thái mở ra cơ hội chiến lược để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, tận dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Tỉnh Bắc Ninh có điều kiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất tổng thể, tích hợp với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Các hành lang phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ có thể được hình thành dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Nội Bài - Bắc Giang, quốc lộ 1, quốc lộ 18, hành lang sông Cầu… Việc kết nối các khu công nghiệp hiện hữu như VSIP, Yên Phong, Quế Võ với Song Khê- Nội Hoàng, Vân Trung, Quang Châu, Việt Hàn tạo điều kiện hình thành một cực tăng trưởng mới, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phát triển logistics và khu công nghệ cao cấp vùng.
Với quỹ đất nông - lâm nghiệp lớn, Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo vành đai sinh thái cân bằng với tốc độ đô thị hóa tại các khu vực trung tâm.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Bên cạnh những cơ hội lớn, việc hợp nhất hai tỉnh cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý đất đai. Một trong những vấn đề đáng chú ý là sự chênh lệch về trình độ quản lý và mức độ phát triển giữa các khu vực. Trong khi trên địa bàn tỉnh có những khu vực đô thị hóa mạnh mẽ, sở hữu hệ thống quản lý hiện đại thì nhiều xã còn gặp khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nhân lực hạn chế.
Cán bộ chuyên môn nắm bắt công tác giải phóng mặt bằng tại phường Việt Yên. Ảnh: Trịnh Lan. |
Tình trạng chồng lấn quy hoạch, không đồng bộ trong hồ sơ địa chính, sự khác biệt về đơn giá bồi thường, tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... là những rào cản cần được xử lý triệt để. Sau sáp nhập, tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục tinh giản khoảng 1.200 biên chế, trong khi khối lượng công việc liên quan đến đất đai tại cấp cơ sở tăng đáng kể. Đội ngũ cán bộ chuyên môn có kỹ năng ứng dụng công nghệ số và kinh nghiệm thực tiễn đang thiếu hụt.
Để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi hoàn thành việc kiểm kê đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tỉnh, trong đó có phương án sử dụng đất đai phù hợp với nhu cầu của từng ngành, địa phương, khu vực. Quá trình thực hiện ưu tiên quỹ đất sạch, vị trí thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thông minh, trung tâm logistics, thương mại- dịch vụ đô thị... |
Ông Lương Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Tự Lạn chia sẻ: Sau sáp nhập, địa bàn phường mở rộng, khối lượng công việc liên quan đến đất đai tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều nội dung trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện hoặc tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ chuyên trách trình độ chưa đồng đều. Phường kiến nghị tỉnh cho phép ký hợp đồng bổ sung với một số trường hợp có năng lực, phù hợp vị trí việc làm để đáp ứng yêu cầu quản lý tại địa phương.
Sau sáp nhập tỉnh, tại một số địa phương còn tồn đọng vụ việc liên quan đất đai chưa được giải quyết. Ông Ong Thế Viên, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong cho biết: “Hiện trên địa bàn phường còn tới 28 vụ việc tồn đọng về đất đai với hàng trăm hộ dân liên quan, một số vụ việc kéo dài, đơn thư khiếu nại phức tạp. Tình trạng vi phạm mới về đất đai vẫn tái diễn. Trong tuần đầu sau sáp nhập, phường đã phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời 3 trường hợp hộ dân vi phạm về đất đai, xây dựng".
Trước thực trạng trên, các xã, phường đang siết chặt quản lý tài nguyên đất đai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo từ xã đến các chi bộ, tổ dân phố, cán bộ chuyên trách; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm mới, không để phát sinh điểm nóng.
Xác định công tác quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát, cập nhật bản đồ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với ranh giới hành chính và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đẩy mạnh phân quyền cho cấp xã trong việc xác nhận hiện trạng sử dụng đất, tham gia thẩm định hồ sơ chuyển mục đích, cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm hành chính. Tập trung quản lý hiệu quả tài sản công như trụ sở hành chính dôi dư, tránh lãng phí tài nguyên.
Hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, chỉ đạo các địa phương kiểm kê, cập nhật hiện trạng sử dụng đất, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cho đồng bộ với hệ thống quản lý quốc gia; tham mưu tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính về đất đai. Cùng đó rà soát, đề xuất hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo giữa hai tỉnh trong lĩnh vực này; xây dựng quy trình nội bộ thống nhất giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi hoàn thành việc kiểm kê đất đai, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tỉnh, trong đó có phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai phù hợp với nhu cầu của từng ngành, địa phương, khu vực. Quá trình thực hiện ưu tiên quỹ đất sạch, vị trí thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thông minh, trung tâm logistics, thương mại- dịch vụ đô thị. Đồng thời bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa đô thị, công nghiệp, nông- lâm nghiệp, dịch vụ, hạ tầng xã hội, môi trường và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Việc sáp nhập hai tỉnh là một quyết sách chiến lược, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế và tổ chức hành chính. Nguồn lực đất đai là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy tỉnh Bắc Ninh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương cần có sự chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hợp tác từ Nhân dân.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/khai-thac-nguon-luc-dat-dai-tao-don-bay-phat-trien-ben-vung-postid421678.bbg
Bình luận (0)