
Với lợi thế “non xanh nước biếc”, thành phố Đà Nẵng mới không chỉ nổi tiếng với biển Mỹ Khê, phố cổ Hội An hay thánh địa Mỹ Sơn, mà còn sở hữu tiềm năng to lớn từ những vùng quê yên bình, những bản làng miền núi đầy bản sắc, nơi vẫn còn nguyên nét đẹp hoang sơ và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là lúc thành phố cần mạnh dạn chuyển mình, khai thác và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng du lịch nông thôn và miền núi.
Trước khi hợp nhất, các vùng như làng rau Trà Quế (Hội An), An Tân, Duy Vinh (Duy Xuyên), Tam Thanh (Tam Kỳ), cùng các làng nghề như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh… từng bước hình thành mô hình du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Trong khi đó, Đà Nẵng cũng có những vùng nông thôn giàu tiềm năng như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên (huyện Hòa Vang cũ), nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đồng ruộng trù phú và bản sắc văn hóa đặc trưng của người Cơ tu.
Việc hợp nhất càng mở ra cơ hội kết nối không gian du lịch nông thôn giữa hai địa phương. Các tour trải nghiệm "một ngày làm nông dân", "cùng người dân trồng rau, bắt cá, nấu ăn quê" sẽ không còn dừng lại ở Hội An mà có thể mở rộng ra tận vùng cao Hòa Bắc hay các xã giáp ranh như Đại Lộc, nơi dòng sông Vu Gia chảy qua, mang theo cả chất thơ và tiềm năng du lịch sinh thái.
Trên thực tế, trước hợp nhất, Quảng Nam có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi phía tây như huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Trà My… với các dân tộc như Cơ tu, Giẻ - Triêng, Bh'noong.
Trong khi đó, Đà Nẵng cũng có đồng bào Cơ tu sinh sống tại các xã Hòa Phú, Hòa Bắc. Những bản làng như Bhalee, A Nôr, Zơ Ra, Tà Lang... vẫn giữ được nhà Gươl, trang phục truyền thống, tiếng nói và các lễ hội nguyên bản.

Nếu có chiến lược đúng đắn và đa dạng, trung tâm Đà Nẵng mới với lợi thế hạ tầng, truyền thông và kết nối giao thông, hoàn toàn có thể trở thành “trạm trung chuyển” đưa du khách từ đô thị biển đến với những bản làng nguyên sơ ở Đông Giang, Tây Giang, Trà My, hồ chứa nước đầy thi vị ở Phú Ninh chỉ trong vòng vài giờ.
Các tour “xuyên rừng, ngủ bản, nghe cồng chiêng, học dệt thổ cẩm” hay lênh đênh trên những con thuyền giữa lòng hồ mênh mông sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần đa dạng hóa dịch vụ và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Một yêu cầu đặt ra khi phát triển du lịch miền núi và đồng quê là phải giữ cho được sự nguyên bản của văn hóa địa phương. Muốn vậy, Đà Nẵng mới cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, hiện nay không còn qua khâu trung gian cấp huyện mà trực tiếp đến với các xã, phường cho từng sản phẩm du lịch của mỗi vùng quê, bản làng.
Ngoài đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp, người dân cần được đào tạo kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn viên bản địa phải biết “kể chuyện quê mình” bằng thứ tiếng của hội nhập, phải chân tình, cởi mở và thân thiện...
Trong khi đó các nhà đầu tư cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn cảnh quan, kiến trúc truyền thống khi triển khai homestay, farmstay hay eco-lodge để tạo cho du khách cảm nhận được những nét đặc sắc của vùng quê, bản làng.
Nhân tố quan trọng cho du lịch vùng quê, bản làng là không thể phát triển mạnh nếu chỉ làm đơn lẻ. Nhất là trong bối cảnh công nghệ số đang hình thành một cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội thì việc giao tiếp trở nên nhanh chóng, thuận lợi. Việc hình thành các cụm du lịch liên kết giữa biển, phố, đồng quê, miền núi sẽ tạo ra hành trình trọn vẹn.
Du khách đến Đà Nẵng không chỉ nghỉ ngơi ở bãi biển mà còn có thể thăm Hội An, chèo thuyền ở Trà Nhiêu, lênh đênh ngắm núi rừng ở hồ Phú Ninh, tham gia lễ hội ăn trâu tại Tây Giang hay ngủ trên sàn nhà Gươl ở Hòa Bắc…
Bên cạnh đó, cần đầu tư truyền thông bài bản: quảng bá trên các nền tảng số, ứng dụng bản đồ du lịch tương tác, làm phim tài liệu, MV trải nghiệm có sự tham gia của KOLs, travel blogger trong và ngoài nước. Một khi sản phẩm đã sẵn có mà không đến được với du khách thì cơ hội vẫn chỉ nằm trên giấy.
Việc hợp nhất tạo điều kiện để phát huy tiềm năng, hợp lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó khai thác tốt các thế mạnh về du lịch. Trong đó, du lịch nông thôn và miền núi chính là “viên ngọc thô” đang chờ được đánh thức một cách mạnh mẽ. Phát triển du lịch không chỉ là làm giàu cho địa phương mà còn là cách bảo tồn văn hóa, nâng cao đời sống người dân và lan tỏa những giá trị đặc sắc của vùng đất này đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Muốn vậy, Đà Nẵng mới cần cần ưu tiên lựa chọn phát triển du lịch mang đậm bản sắc, bền vững và hướng về cộng đồng. Đó mới chính là chìa khóa để đi xa trong thời đại hậu sáp nhập và kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế trải nghiệm.
Nguồn: https://baodanang.vn/khai-thac-tiem-nang-du-lich-dong-que-mien-nui-3265126.html
Bình luận (0)