Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Kho báu” du lịch sinh thái chờ khai mở

Lâu nay, du lịch sinh thái được xác định là một trong 5 trụ cột của du lịch thành phố Đà Nẵng; việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo từ rừng xuống đảo được chờ đợi sẽ giúp thành phố nâng tầm thương hiệu trong lĩnh vực này.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng07/07/2025

img_7552.jpeg
Cù Lao Chàm có tiềm năng phát triển trở thành điểm du lịch sinh thái cao cấp của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Hành trình khai mở dang dở

Tỉnh Quảng Nam (cũ) có diện tích rất rộng, địa hình đa dạng trải từ trên nguồn xuống biển nên được thiên nhiên ưu đãi hệ thống tài nguyên du lịch sinh thái dồi dào, với nhiều đặc trưng độc đáo. Là địa phương có hoạt động du lịch phát triển nhưng Quảng Nam (cũ) dựa nhiều vào thế mạnh du lịch văn hóa.

Một số vùng sinh thái rộng lớn gắn với tài nguyên du lịch độc đáo mới chỉ khai thác ở mức độ hoặc gần như chưa khai mở tiềm năng. Chỉ có khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (phường Hội An Đông) tạo dấu ấn trong hoạt động du lịch sinh thái với việc đón gần 1 triệu lượt khách mỗi năm.

Các điểm đến như Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh, Vườn quốc gia Sông Thanh, Bãi Sậy - Sông Đầm… trong những năm gần đây đều được các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Nam (cũ) hoạch định phát triển du lịch sinh thái với rất nhiều kỳ vọng nhưng đều dở dang. Trong số này, Cù Lao Chàm là điểm đến đón lượng khách ổn định nhất nhưng dấu ấn, trải nghiệm du lịch sinh thái cho du khách khá nhạt nhòa.

Tại hồ Phú Ninh, đến nay sau gần 20 năm kêu gọi xúc tiến mới chỉ có duy nhất doanh nghiệp vào đầu tư, mở khu du lịch nhưng hoạt động khá èo uột. Còn với Vườn quốc gia Sông Thanh hay Bãi Sậy - Sông Đầm, mọi kế hoạch xúc tiến phát triển du lịch sinh thái tại điểm đến này chủ yếu vẫn nằm trên giấy.

Rải rác trên địa bàn Quảng Nam còn khá nhiều điểm du lịch sinh thái, làng du lịch sinh thái cộng đồng (ngoại trừ các điểm ở Hội An) hoạt động cầm chừng. Hạ tầng khung, nhất là hạ tầng giao thông hạn chế là rào cản lớn khiến hầu hết điểm đến này, đặc biệt là khu vực miền núi thưa thớt khách cũng như rất khó xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hải (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ngành du lịch Quảng Nam (cũ) thiếu các cơ sở phục vụ cho các hoạt động du lịch sinh thái chuyên biệt như trung tâm nghiên cứu thiên nhiên, cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn, điểm cung cấp dịch vụ trekking và cắm trại. Thêm nữa, hệ thống homestay tại các vùng sinh thái còn hạn chế về chất lượng và số lượng, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế và những người quan tâm đến du lịch bền vững.

Cần chú trọng phát triển kết hợp bảo tồn

Trên bình diện chung, tài nguyên du lịch sinh thái của thành phố Đà Nẵng (cũ) không quá dồi dào nhưng ngành du lịch đã khai thác khá tốt loại hình này tại các khu vực như bán đảo Sơn Trà, Khu du lịch Bà Nà Hills và một số khu du lịch trên quốc lộ 14G…

dji_0178.jpeg
Ngoài giá trị nổi bật về văn hóa - lịch sử, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn (xã Thu Bồn, thành phố Đà Nẵng) còn có tiềm năng rất lớn phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: QUỐC TUẤN

Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, việc hợp nhất Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là cơ hội tuyệt vời để mở rộng không gian du lịch thành phố mới.

Qua đó làm cho văn hóa - du lịch xứ Quảng trở nên trọn vẹn và giàu bản sắc hơn, góp phần đưa Đà Nẵng mới trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực và quốc tế. Đà Nẵng mới cần tổ chức, xác định lại các vùng chức năng với các trục giá trị cốt lõi. Trong đó, trục di sản thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - rừng di sản pơ mu - các khu bảo tồn voi và sao la.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp du lịch, nếu tiếp cận và khai thác bài bản, du lịch sinh thái là lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao, sản phẩm phù hợp với thị trường khách cao cấp.

Ông Bùi Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH HiVooc cho hay: “Một số tour du lịch gắn với bảo vệ đa dạng sinh học liên kết giữa Đà Nẵng và Quảng Nam rất tiềm năng như Sơn Trà - Mỹ Sơn; Sơn Trà - Tam Mỹ Tây… Đây là các tour có đặc thù riêng, có sức hút với khách quốc tế sẵn sàng chi tiêu cao để khám phá các loài động vật, thực vật đặc hữu”.

Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Thảo, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái là loại hình phù hợp nhất đáp ứng mục tiêu phát triển sinh kế gắn với bảo tồn, nhất là với trường hợp Cù Lao Chàm.

Mô hình hợp tác 4 nhà gồm nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương trong phát triển du lịch sinh thái đúng bản chất là một định hướng cần được áp dụng trong phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm. Điều này sẽ hạn chế những bất cập trong quản lý bảo tồn tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy giá trị tri thức bản địa.

Cạnh đó, cũng cần lượng hóa giá trị kinh tế và xác định sức chịu tải của các hệ sinh thái làm cơ sở phát triển du lịch sinh thái trong phạm vi khu sinh quyển để phát triển bền vững điểm đến.

TS. Nguyễn Xuân Hải khuyến nghị, các khu bảo tồn thành công trên thế giới thường gắn kết chặt chẽ với sự tham gia của cộng đồng địa phương, không chỉ trong việc phát triển du lịch mà còn trong công tác bảo tồn.

Do đó, ngành du lịch địa phương cần khuyến khích người dân bản địa tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái, vừa tăng cường nhận thức về bảo tồn thiên nhiên vừa tạo thu nhập bền vững. Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược liên kết du lịch với các khu vực lân cận và các điểm đến trong cả nước, tạo thành chuỗi giá trị du lịch sinh thái liên vùng, nhằm tăng cường sự hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng cho du khách.

Nguồn: https://baodanang.vn/kho-bau-du-lich-sinh-thai-cho-khai-mo-3265151.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm