Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khâu Vai… có thương, có nhớ thì về!

Việt NamViệt Nam21/04/2025


Khi những ngọn gió giao mùa rủ nhau về hong ấm từng vạt mưa cuối Xuân ẩm ướt, cũng là lúc đá núi cao nguyên lại như thức giấc bởi những bàn chân hẹn về Khâu Vai, về phiên chợ “độc nhất vô nhị” trên cao nguyên đá Đồng Văn - Chợ Phong Lưu Khâu Vai.

“Chàng ơi xuống núi cùng em

Nhớ mang theo ngựa và đi một mình

Em đây tuy chẳng còn xinh

Có ô che nắng chợ tình phong lưu”,...

Bâng khuâng nhớ mấy câu hát mà tự nhiên trong lòng cũng thấy rộn ràng như thể có người năm xưa đang khẩn thiết chờ đợi... Thế rồi, sau bao tháng ngày đợi chờ, thì phiên chợ cũng đã gần kề.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) - nơi hội tụ của những mối tình dang dở, kỷ niệm xưa cũ hay lời hẹn chưa trọn vẹn nhưng vẫn đáng trân quý.

Hằng năm, từ chiều 26-3 âm lịch, khi hoàng hôn vừa buông xuống khỏi ngọn núi, từ những con đường mòn như sợi chỉ vắt từ đỉnh núi xuống lưng đồi, từng tốp người già trẻ, gái trai dập dìu xuống chợ. Bước chân thoăn thoắt bám vào những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Tiếng cười nói lanh lảnh vọng khắp thung sâu. Các cô gái Nùng, Giáy, Tày, Mông, Lô Lô,... trong những bộ trang phục đẹp nhất rộn ràng đi chơi chợ. Vẳng nghe trong gió tiếng khèn ai dìu dắt, da diết gọi bạn, hòa quyện với núi rừng như kéo bước chân người nhanh hơn… về Khâu Vai.

 
Tiếng khèn ai dìu dặt, da diết gọi bạn, hòa quyện với núi rừng như kéo bước chân người nhanh hơn… về Khâu Vai.

Chợ Phong lưu Khâu Vai chỉ họp duy nhất một lần trong năm, vào ngày 27-3 âm lịch. Phiên chợ là không gian văn hóa, lưu giữ câu chuyện tình yêu thấm đẫm nước mắt, chứa chan tình người giữa chàng Ba (người Nùng) và nàng Út (người Giáy). Dù rất yêu nhau nhưng vì gia đình ngăn cấm và tục lệ của dân tộc nên hai người đã gạt nước mắt chia tay với lời thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27-3 âm lịch họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm cách. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi sáng hôm sau lại trở về với cuộc sống thường nhật. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau và cùng ra đi đúng vào ngày 27-3 âm lịch. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

Hàng năm, từ chiều 26/3 (âm lịch), từng tốp người già trẻ, gái trai dập dìu xuống chợ - về Chợ Phong Lưu Khâu Vai.

Với chủ đề “Khâu Vai ngày trở lại”, năm nay, Lễ hội được tỉnh Hà Giang tổ chức với quy mô cấp tỉnh gắn với chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Lễ hội hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm và khám phá độc đáo cho du khách; nổi bật là chương trình nghệ thuật “Khâu Vai ngày trở lại” được diễn ra vào hồi 20 giờ ngày 22/4 tại Quảng trường trung tâm huyện Mèo Vạc.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai hàng năm còn thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tại xã Khâu Vai diễn ra các hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà, lễ cầu duyên; các hội thi: Thi leo cột chinh phục tình yêu; tung còn giao duyên; đánh yến; trình diễn thổi khèn Mông; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô; múa kiếm; múa trống của dân tộc Giáy; giã bánh giầy; ẩm thực địa phương và không gian chợ phiên vùng cao, chợ đêm… Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được các cấp, ngành gấp rút triển khai, sẵn sàng đón du khách đến với lễ hội.

Mặc núi đá tai mèo, mặc núi cao suối sâu, họ náo nức, họ phấp phỏng... đợi chờ một đêm tình yêu lãng mạn thăng hoa, mỗi năm chỉ có một lần. Về Khâu Vai, nơi hội tụ của những mối tình dang dở, kỷ niệm xưa cũ hay lời hẹn chưa trọn vẹn nhưng vẫn đáng trân quý; để gặp lại nhau, cùng tâm sự, sẻ chia về cuộc sống…

Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)



Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202504/khau-vai-co-thuong-co-nho-thi-ve-5cc25e3/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm