Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi tiểu thương chợ truyền thống Hà Tĩnh livestream, mở rộng kênh bán hàng

(Baohatinh.vn) - Livestream bán hàng đang là phương thức được nhiều tiểu thương ở Hà Tĩnh tận dụng nhằm tăng doanh thu. Dù vậy cuộc cạnh tranh này cũng rất nhiều khốc liệt và thách thức.

Báo Hà TĩnhBáo Hà Tĩnh22/05/2025

Khoảng hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương bán quần áo trẻ em ở chợ TP Hà Tĩnh đã có thói quen bán hàng mới bằng livestream - điều mà trước đây chị chưa từng nghĩ sẽ thử sức.

Chị Phương chia sẻ: “Vì có quầy kinh doanh cố định tại chợ nên trước đây tôi chỉ bán hàng theo hình thức trực tiếp truyền thống. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xu thế kinh doanh mới cũng như thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, bán hàng truyền thống không còn thu hút nhiều khách hàng. Do đó, tôi tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn livestream để từ từ chuyển hướng phương thức kinh doanh đa dạng hơn”.

1.jpg
2.jpg
Chị Nguyễn Thị Phương - tiểu thương bán quần áo trẻ em ở chợ TP Hà Tĩnh bắt đầu livestream bán hàng khoảng 1 tháng nay.

Dụng cụ livestream của chị Phương khá đơn giản, 1 chiếc máy điện thoại có kết nối internet, 1 chiếc đèn chuyên dụng, chị đã có thể “lên hình” để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Hiện nay, mỗi ngày chị sẽ lên livestream 1 lần vào khung giờ cố định với mỗi phiên từ 1 - 2 giờ đồng hồ. “Vào buổi sáng, tôi sẽ vừa bán hàng vừa sắp xếp các mẫu mới để phục vụ buổi live. Bắt đầu từ khoảng 12h trưa, tôi sẽ bắt đầu mở máy livestream bán hàng và luôn giữ khung giờ cố định này để tạo thói quen cho khách. Bước đầu, việc bán hàng khá hiệu quả, tận dụng kết nối khách hàng ở khung giờ thấp điểm, tăng thêm doanh từ 20 – 30%/ngày” – chị Nguyễn Thị Phương cho biết thêm.

Bắt đầu sớm hơn chị Nguyễn Thị Phương, phương thức bán hàng qua livestream đã được chị Nguyễn Thị Bông, phường Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) áp dụng từ khoảng gần 2 năm nay. Vượt qua những trở ngại ban đầu về tâm lý e ngại khi kết nối với khách hàng trên nền tảng mạng xã hội, giờ đây chị đã có 79.000 người theo dõi facebook để phát triển kênh bán hàng trực tuyến.

4.jpg
5.jpg
Nhờ kiên trì livestream bán hàng, facebook chị Nguyễn Thị Bông (phường Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đã có 79.000 người theo dõi.

Chị Nguyễn Thị Bông cho biết: “Ban đầu có hơi ngại do tương tác trên nền tảng facebook của mình thấp, giọng nói địa phương, khó lôi cuốn người xem nhưng nhờ kiên trì nên lượng follow ngày càng nhiều hơn. So với quầy truyền thống, doanh số bán hàng qua mạng xã hội tăng cả về số lượng mã hàng và số lượng sản phẩm trên từng mã hàng. Để phát triển kênh bán hàng này, tôi thường xuyên cập nhật các xu hướng thời trang, có mã hàng mới là phải lên sóng ngay để dẫn đầu kênh cung cấp, áp dụng các chương trình giảm giá, tri ân, mini game tặng sản phẩm để thu hút khách hàng vào xem và mua hàng…”.

Trong vài năm trở lại đây, kênh bán hàng online, nhất là livestream qua facebook, tiktok đang phát triển mạnh ở Hà Tĩnh. Lợi thế của kênh bán hàng này không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu như: mặt bằng, nhân công,…, trong khi đó, người bán hàng có thể tiếp cận được hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người trong cùng một lúc để tăng doanh số, lợi nhuận.

img-0451.jpg
Sở Công thương phối hợp với UBND thành phố Hà Tĩnh tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử cho tiểu thương các chợ vào ngày 22/4 vừa qua.

Theo khảo sát sơ bộ, phần lớn người bán hàng đều thừa nhận, hình thức bán hàng qua livestream có thể tăng được doanh thu từ 30 -–50%/tháng so với phương thức truyền thống. Và, không chỉ các tiểu thương, cơ sở kinh doanh ở thành thị, kể cả bà con nông dân, các HTX cũng đã vận dụng hình thức này để quảng bá và bán sản phẩm hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều đợt tập huấn bán hàng qua kênh livestream cho tiểu thương, chủ cơ sở trên địa bàn; phối hợp tổ chức mời các tiktoker, KOLs trực tiếp livestream quảng bá các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh...

Tuy nhiên, người kinh doanh cũng đang phải đối diện với những thách thức lớn để phát triển kênh bán hàng hiện đại này. Thứ nhất chính là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, khi mà ai cũng có thể trở thành những người bán hàng trực tuyến. Để giữ chân khách hàng, người bán cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, nội dung phong phú và sự sáng tạo trong cách trình bày sản phẩm. Hơn thế nữa, giữa “hằng hà” các sản phẩm cùng loại, cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi người bán hàng có chiến lược rõ ràng, dài hơi để bảo vệ thương hiệu cá nhân.

Nhiều tiểu thương chia sẻ, hạn chế nhất của livestream là người tiêu dùng chỉ nghe mô tả sản phẩm mà không được tận tay cảm nhận nên rất khó lấy lòng tin của khách hàng. Livestream đang chủ yếu thu hút tiểu thương là người trẻ, biết tìm tòi, chịu khó đầu tư; việc tiếp cận livestream đối với các tiểu thương ở các chợ truyền thống còn nhiều lực cản.

bqbht_br_6.jpg
Công ty CP Sen Hào Thành ngày càng đầu tư chỉn chu về hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, phát huy hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tiểu thương Hà Tĩnh nhìn chung hoạt động bán hàng trên nền tảng số vẫn trong quy mô nhỏ, chưa có đủ năng lực để kết nối, hợp tác với các sàn thương mại lớn như: tiktok, shoppee… để tạo ra những phiên live có doanh thu “khủng”, tầm ảnh hưởng lớn. Trong khi nhiều nhãn hàng lớn, ngoài có lượng khách hàng ổn định, sử dụng các KOLs (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức tác động lớn đến thị trường) quảng bá sản phẩm thì còn áp dụng nhiều khuyến mãi, voucher giảm giá “sốc” thu hút mua sắm và niềm tin của khách hàng.

Cuối cùng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang là thách thức lớn nhất của thị trường online. Nếu người bán hàng không đủ hiểu biết, chạy theo giá mà thiếu đi chiến lược kinh doanh bền vững thì dễ rơi vào “ngõ cụt”, thậm chí là vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng di động; hàng ngàn lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn… tham gia các khóa đào tạo kinh doanh, bán hàng trực tuyến.

Theo Sở Công thương, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quan tâm mở rộng các đợt tập huấn, nâng cao kỹ năng livestream cho tiểu thương, doanh nghiệp; tăng số lượng các doanh nghiệp, tiểu thương sử dụng livestream để bán hàng. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương. Cùng đó, phối hợp với các ngành, nâng cao công tác quản lý, kiểm soát các kênh bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử; đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình, điều kiện hoạt động; đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Video: Chị Nguyễn Thị Phương - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh trong phiên livestream

Nguồn: https://baohatinh.vn/khi-tieu-thuong-cho-truyen-thong-ha-tinh-livestream-mo-rong-kenh-ban-hang-post288314.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm