Khởi nghiệp ở miền biển với muôn vàn khó khăn nhưng bằng tư duy mới, kiểm soát rủi ro và khả năng vận dụng kỹ năng trong sản xuất - kinh doanh, nhiều thanh niên đang từng bước biến một vùng đất khó khăn trở thành nơi tạo sinh kế bền vững.
.jpg)
Giữ nghề
Tại thôn Trung Toàn, anh Bùi Ngọc Phúc (sinh năm 1984) đang miệt mài nối lại nghề mắm truyền thống mà gia đình anh từng duy trì từ trước năm 1975. Xuất thân từ một nhân viên thị trường, sau nhiều năm lăn lộn ở thành phố, anh quyết định trở về quê để gây dựng lại thương hiệu nước mắm Kỳ Hà.
"Mỗi giọt mắm là sự chắt lọc từ cá, muối và thời gian, mà thời gian thì không thể rút ngắn được, nên muốn khởi nghiệp với mắm, phải biết tính kỹ chi phí đầu vào, đầu ra, kiểm soát được dòng tiền, nếu không thì khó thành công" - anh Phúc nói.
Theo anh, để sản xuất 1.000 lít nước mắm thành phẩm cần ít nhất 2 tấn cá cơm đánh bắt tại vùng biển Kỳ Hà, 500kg muối Sa Huỳnh, thêm những khoản chi khác về bao bì, công thợ... tổng giá trị đầu tư mất gần 100 triệu đồng, thời gian kéo dài ít nhất một năm mới có mắm để bán.
.jpg)
Hiện tại, anh Phúc đang duy trì ủ mắm trong gần 100 chiếc chum sành truyền thống, không sử dụng chum xi măng để tránh nguy cơ nhiễm hóa chất. Ngoài ra, anh đầu tư các thùng gỗ có sức chứa 500kg đến 1 tấn cá nhằm đảm bảo sản lượng và độ ổn định khi lên men.
"Chất lượng mắm phụ thuộc vào nguyên liệu. Cá phải là cá cơm vùng Kỳ Hà thì mới giữ được độ đạm cao. Loại cá lớn sẽ cho màu đỏ cánh gián đậm, còn cá nhỏ thì ra màu nhạt hơn. Tỷ lệ cá và muối cũng phải chuẩn, thường là 2,5kg muối cho 10kg cá. Sai một chút là mắm sẽ hư, công sức cả năm coi như mất trắng" - anh chia sẻ thêm.
.jpg)
Sau khi đăng ký thương hiệu nước mắm Phúc Diễn - Kỳ Hà vào năm 2022, anh Phúc là hộ dân duy nhất ở Kỳ Hà có giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu mắm truyền thống. Sản phẩm hiện được hợp tác sản xuất cùng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 516 - Quân khu 5, mở rộng quy mô sản xuất và tìm đường ra thị trường mới.
Giai đoạn tới, tôi tập trung cải tiến mẫu mã, thay đổi thiết kế nhãn mác để phù hợp hơn kênh bán lẻ, tiến tới tìm đối tác xuất khẩu. Nhưng dù mở rộng đến đâu, tôi vẫn giữ cam kết mắm nguyên chất, không chất bảo quản, sản xuất đúng phương pháp truyền thống.
Anh Bùi Ngọc
Biến rủi ro thành lợi thế
Ở một khu nuôi trồng khác tại thôn Xuân Trung, anh Phùng Văn Tâm (sinh năm 1990) đang phát triển tổ hợp mô hình nuôi trồng thủy sản khép kín với ốc bươu đen, hàu và các loại cá thương phẩm như cá bớp, cá mú, cá chim, cá tho, cá dìa… Điều đặc biệt là mỗi ao hồ, mỗi bè nuôi đều được anh Tâm kiểm soát bằng chỉ số cụ thể, từ độ mặn, nhiệt độ nước, tốc độ tăng trưởng đến khả năng sinh lời trên từng lứa nuôi.
"Chi phí mỗi năm dao động 600 đến 700 triệu đồng cho tất cả các công đoạn, trong đó có con giống, thức ăn, vệ sinh lồng bè, chăm sóc môi trường nước… Nếu kiểm soát tốt, mô hình có thể cho doanh thu 1 tỷ đồng. Nhưng rủi ro trong nuôi biển cao hơn nhiều so với nuôi ao, nên muốn làm phải tính toán kỹ, phải biết cách hạ thấp tỷ lệ tổn thất, thậm chí chấp nhận tăng chi phí để bảo vệ thành quả" - anh Tâm nói.
.jpg)
Anh Tâm tốt nghiệp ngành sinh hóa, từng làm nhiều năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng quyết định về quê vì nhận thấy tiềm năng vùng biển chưa được khai thác hết. Khác với nhiều mô hình chăn nuôi mang tính phong trào, anh tiếp cận bằng cách thử nghiệm từng quy trình, áp dụng số liệu vào quản lý, xem hiệu suất mỗi bè hàu, mỗi giống cá để đánh giá.
“Tôi ghi nhật ký nuôi theo ngày, tự phân tích dữ liệu để điều chỉnh thức ăn, mật độ thả giống, thời gian thu hoạch. Mỗi mùa sẽ cho một kết quả khác nhau, nếu không có dữ liệu, mình sẽ không biết điều gì đang xảy ra trong lồng bè của chính mình" - anh Tâm chia sẻ.
.jpg)
Đầu ra của các sản phẩm khá ổn định, đặc biệt hàu thương phẩm có thể bán với giá 100.000 đồng/kg, mỗi bè thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh Tâm cho biết, quan trọng nhất vẫn là xây dựng được một hệ thống nuôi trồng có thể kiểm soát từ đầu đến cuối và chủ động thích ứng khi có biến động môi trường, thời tiết hay dịch bệnh.
Quê mình có tiềm năng nhưng phải biết làm khác so với phương thức truyền thống, phải dùng kỹ năng, số liệu, kiến thức để biến rủi ro thành lợi thế. Nếu chỉ làm theo thói quen, không đo lường, không tính toán thì khó bền vững lâu dài.
Anh Phùng Văn Tâm
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho rằng, khởi nghiệp ở vùng nônh thôn, đặc biệt là khu vực miền biển như Núi Thành, là hành trình không dễ dàng . Tuy vậy, chính những cái khó đó lại mở ra lợi thế cạnh tranh nếu người khởi nghiệp biết lựa chọn những mô hình phù hợp và có cách tiếp cận bài bản.
"Nếu chọn được một ngách nhỏ ít người làm, có mô hình kinh doanh tốt, biết kiểm soát rủi ro và quản lý dòng tiền hiệu quả thì sẽ có cơ hội phát triển rất bền vững. Quan trọng là phải làm thật sự tới nơi tới chốn, không nên làm theo phong trào. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc cập nhật công nghệ, tận dụng nguồn lực địa phương và liên kết hệ sinh thái để hỗ trợ nhau cùng phát triển" - ông Sinh nhận định.
Nguồn: https://baodanang.vn/khoi-nghiep-bang-chinh-nghe-truyen-thong-3297027.html
Bình luận (0)