Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Kim chỉ nam' trong mỗi nếp nhà

Mặt trái của cơ chế thị trường mang lại nhiều hệ lụy xã hội, trong đó có sự suy giảm những giá trị truyền thống, phá vỡ sự gắn kết giữa các thế hệ. Vì thế, việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 28/1/2022 trên toàn quốc được ví như “Kim chỉ nam” trong mỗi nếp nhà.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên21/07/2025

Việc nhà bận
Việc nhà bận rộn, song ông bà: Hoàng Văn Hòa - Tống Thị Vòng, xóm Chí Son, xã Nam Hòa, luôn dành thời gian bên con cháu.

Sau hơn 3 năm triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại tỉnh Thái Nguyên, các nội dung của Bộ tiêu chí đã trở thành một phần quan trọng trong gìn giữ nếp nhà. Nhiều địa phương đã lồng ghép hiệu quả bộ tiêu chí vào các phong trào thi đua, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, sự yêu thương, chia sẻ giữa các thế hệ và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong xã hội.

Từ các khu dân cư đã chủ động đưa nội dung Bộ tiêu chí vào hương ước, quy ước. Nhiều nội dung của Bộ tiêu chí được cụ thể hóa thông qua các mô hình xây dựng gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay trên toàn tỉnh đã có khoảng 2.500 câu lạc bộ về gia đình, 1.900 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 1.200 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, gần 800 số điện thoại đường dây nóng phục vụ kịp thời công tác tư vấn, hỗ trợ.

Để Bộ tiêu chí lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, trong 3 năm gần đây đã có hàng nghìn lượt cán bộ, cộng tác viên làm công tác gia đình được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc... do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, Bộ tiêu chí đã chuyển tải được thông điệp thiết thực: “Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ”, trở thành “Kim chỉ nam” cho mọi gia đình. Từ đó hình thành những quy tắc ứng xử tích cực: Vợ chồng thủy chung, nghĩa tình; cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu; con cháu hiếu thảo, lễ phép; anh em đoàn kết, nhường nhịn. Những điều giản dị ấy là nền móng cho một gia đình hạnh phúc, góp phần làm nên sự yên ổn và phồn vinh cho toàn xã hội.

Quá trình triển khai cho thấy nội dung Bộ tiêu chí có tác động tích cực rõ nét đến từng tổ ấm. Tại hầu hết các khu dân cư, không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận, tình trạng bạo lực gia đình hạn chế. Các thành viên trong gia đình, dòng họ biết nhẫn nhịn, lắng nghe, sẻ chia và điều chỉnh hành vi ứng xử theo hướng có văn hóa. Thay vì áp đặt, trách móc, mọi người học cách đối thoại, giải quyết bất đồng quan điểm sống với suy nghĩ tôn trọng, cảm thông.

Tại khu dân cư, các thành viên Ban Công tác Mặt trận và hộ gia đình văn hóa tiêu biểu luôn là những tấm gương đi đầu trong việc thực hiện Bộ tiêu chí. Nhờ đó, hiệu quả mang lại rõ rệt, cộng đồng dân cư ngày càng gắn bó, nghĩa tình. Người lớn cư xử tử tế, mẫu mực chính là tấm gương sống động để trẻ em nhìn vào, làm theo. Từ đó xây dựng nên lớp người sống nhân văn, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Điểm nổi bật trong triển khai Bộ tiêu chí là đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ trong xây dựng tổ ấm. Thông qua các lớp tập huấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng giải quyết xung đột trong gia đình, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin bày tỏ quan điểm, chia sẻ cùng chồng gánh vác công việc gia đình, đồng thời là người "giữ lửa" hạnh phúc. Từ đó, niềm tin và cảm giác an yên trong mỗi mái ấm được vun đắp, góp phần lan tỏa hạnh phúc trong toàn xã hội.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giúp các thế hệ gần gụi nhau hơn. Trong ảnh, Bà Trần Thị Thìn, xã An Khánh (thứ 2 từ trái vào) cùng các cháu.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giúp các thế hệ gần gũi nhau hơn. Trong ảnh: Bà Trần Thị Thìn, xã An Khánh, cùng các cháu.

Khi sự tử tế, nếp sống có văn hóa, lối sống có trách nhiệm được khởi nguồn từ mỗi gia đình sẽ hình thành nên một cộng đồng nhân ái, một xã hội phát triển hài hòa và bền vững. Chính vì thế, Bộ tiêu chí đã và đang tiếp tục được triển khai rộng rãi trong nhân dân luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Hầu hết các gia đình đã coi đó là “kim chỉ nam” trong ứng xử hằng ngày, tạo thành một “lá chắn mềm” trước sự xâm nhập của lối sống thực dụng, thực lợi và vô cảm.

Một gia đình, dòng họ có tôn ti, trật tự: Ông bà mẫu mực, cha mẹ thảo hiền, con cháu chăm ngoan, anh em bình đẳng, đoàn kết, thương yêu nhau sẽ tạo nên “pháo đài” vững chắc, đủ sức “miễn dịch” trước các tệ nạn xã hội. Và khi mỗi gia đình thực sự trở thành nơi nuôi dưỡng yêu thương, hành xử văn hóa, thì xã hội sẽ ngày càng yên bình, văn minh và phát triển bền vững.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/kim-chi-nam-trong-moi-nep-nha-78d1454/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm