Từ trái qua: hình ảnh sỏi đường mật trong gan bệnh nhân N.T.H. trên CT scan ổ bụng. Sỏi được lấy ra từ gan bệnh nhân - Ảnh: HÀ TƯỜNG
Sỏi đường mật trong gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật như nhiễm trùng đường mật, viêm gan, xơ gan, ung thư đường mật trong gan, nhiễm trùng huyết...
Khi ký sinh trùng chui lên đường mật
Bệnh nhân N.T.H. (70 tuổi) thường xuyên cảm thấy đau tức vùng dưới sườn phải sau bữa ăn, cơn đau ngắn thường tự hết sau khoảng 10-20 phút. Chủ quan bệnh nhân không đi khám, đến khi đau nhiều và sốt cao, da vàng sậm... bệnh nhân mới đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thì được kết luận sỏi đường mật trong gan.
ThS Lê Văn Lợi, khoa phẫu thuật gan - mật - tụy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sỏi đường mật trong gan.
Điển hình là trường hợp sỏi đúc khuôn đường mật gan phải. Bệnh nhân vào viện với biểu hiện đau bụng vùng hạ sườn phải kèm theo sốt 39 độ, được xác định chẩn đoán viêm đường mật do sỏi đúc khuôn đường mật trong gan phải...
Theo ThS Lợi, sỏi đường mật trong gan (thường được gọi tắt là sỏi gan) thường gặp nhiều ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Bản chất của sỏi đường mật trong gan là sỏi mật, nhưng vị trí của nó nằm trong các ống gan (ống gan phải hoặc ống gan trái).
Sỏi đường mật trong gan thường là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin. Nguyên nhân làm phát sinh bệnh chủ yếu là do ký sinh trùng đường ruột chui lên đường mật, mang theo vi khuẩn làm thay đổi khả năng hòa tan của bilirubin, kết hợp trứng và xác giun tạo thành nhân sỏi.
Sự rối loạn chức năng gan như xơ gan, viêm gan do thuốc, viêm gan siêu vi, viêm gan B... gây mất cân bằng các thành phần trong dịch mật, hoặc giảm vận động đường mật thường gặp ở người béo phì, lười vận động... cũng là nguyên nhân gây ra sỏi đường mật trong gan.
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khuyến cáo: Tại Việt Nam, sỏi đường mật trong gan chủ yếu là sỏi sắc tố có thành phần cấu tạo là các hợp chất như: bilirubinat canxi, cholesterol, palmitate canxi, apatite...
Và ký sinh trùng (giun đũa, sán...) có vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành sỏi đường mật.
Giai đoạn sớm người bệnh cảm thấy đau tức vùng dưới sườn phải sau bữa ăn, cơn đau ngắn thường tự hết sau khoảng 10-20 phút.
Sốt do có viêm đường mật, túi mật, nếu không viêm thì không sốt, nếu sốt thường sốt cao đột ngột kéo dài vài ba giờ; sốt và đau hạ sườn phải đi đôi với nhau (đau nhiều thì sốt cao); sốt thường xảy ra sau cơn đau (có khi cùng hoặc trước). Sốt có thể kéo dài vài tuần, hàng tháng, có khi sốt nhẹ 37,5 - 38 độ.
Khi dịch mật đọng tại gan, các bilirubin có màu vàng sẽ ảnh hưởng đến máu, làm bệnh nhân bị vàng da.
Dễ biến chuyển ung thư, nhiễm trùng huyết...
ThS Lê Văn Lợi phân tích, gan có nhiệm vụ sản xuất mật để tiêu hóa chất béo, đồng thời giúp khử độc và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Mật từ tế bào gan sẽ tiết ra, theo các ống gan chảy ra các ống mật lớn và ống mật nhỏ, rồi theo ống mật chính đổ vào túi mật và xuống ruột.
Sỏi đường mật trong gan thường được phát hiện khi sỏi làm xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như: viêm đường mật, áp xe gan, xơ gan, ung thư đường mật trong gan...
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể nhận biết được một số biểu hiện như đầy trướng, chậm tiêu sau ăn. Khi sỏi gây biến chứng, người bệnh có thể gặp phải một trong ba dấu hiệu điển hình, gọi là tam chứng Charcot.
Cơn đau quặn gan thường xuất hiện sau bữa ăn no, đau dữ dội và đột ngột, có thể lan ra vai phải, làm người bệnh khó khăn khi di chuyển, kéo dài từ 15 phút đến vài giờ và có tính chất chu kỳ.
Sốt cao: người bệnh thấy sốt cao, có thể rét run kèm theo vã mồ hôi.
Vàng da: khi dịch mật bị ứ trệ tại gan, bilirubin (sắc tố mật có màu vàng) thấm vào máu làm da và củng mạc mắt có màu vàng. Đặc biệt, bệnh sỏi trong gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật.
Nhiễm trùng đường mật là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi trong gan. Những cơn sốt cao kèm theo hiện tượng rét run, nhiễm trùng và tắc mật nặng, rối loạn huyết động thường đẩy người bệnh vào tình trạng choáng và mệt.
Viêm gan, dịch mật bị ứ trệ lâu ngày là điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm gan, chúng cũng có thể tạo thành các ổ mủ, hình thành nên ổ áp xe gan.
Xơ gan là biến chứng sau khi gan bị viêm nhiễm, làm tổn thương nhu mô gan không hồi phục. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xơ gan.
Có khoảng 3-10% các trường hợp mắc sỏi gan bị ung thư đường mật trong gan. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến vài năm sau khi phát hiện bệnh.
Nhiễm trùng huyết là biến chứng cấp cứu, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Các cách điều trị
Điều trị sỏi trong gan khó, bởi vì sỏi thường nằm sâu và rải rác trong gan. Chưa kể đến việc sỏi làm ứ trệ dịch mật, có thể làm chít hẹp đường mật từng đoạn, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ thuật can thiệp.
* Thuốc làm tan sỏi hầu hết không có tác dụng với sỏi gan (sỏi sắc tố, thành phần chính bilirubin), bởi vì thuốc chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol.
* Nội soi mật tụy ngược dòng: phương pháp này chỉ thích hợp cho người bệnh sỏi ngoài gan, với sỏi trong gan phương pháp này phải sử dụng thiết bị đắt tiền, tại Việt Nam rất ít cơ sở áp dụng phương pháp này.
* Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi hoặc cắt gan, bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ lớn, sau mổ đau nhiều, hồi phục sau mổ chậm, đặc biệt với người cao tuổi.
* Phương pháp tốt được lựa chọn hiện nay là phẫu thuật nội soi lấy sỏi hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi xuyên gan qua da, là phương pháp can thiệp tối thiểu.
Cách phòng sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan là bệnh lý nguy hiểm. Tuy vậy, vẫn có cách để phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi, hạn chế tối đa các biến chứng do sỏi, cụ thể: không uống rượu bia, không sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc.
Hạn chế bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol, đồ ăn chiên, rán, đóng hộp.
Đảm bảo ăn uống vệ sinh, tránh ăn đồ ăn sống, tái nhằm phòng ngừa nhiễm giun sán từ thức ăn. Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và uống nhiều nước.
Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần để phòng ngừa nhiễm khuẩn do giun sán. Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm sẽ giúp phát hiện sớm những nguy cơ của bệnh lý này.
Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga để tăng vận động đường mật và tránh ứ mật trong gan.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-sinh-trung-chui-len-duong-mat-nguy-hiem-ra-sao-20250520082328904.htm
Bình luận (0)