Lợi thế từ tự nhiên và chiều sâu văn hóa
Lai Châu được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế độc đáo để phát triển du lịch với địa hình đa dạng, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành quanh năm và hệ sinh thái phong phú. Những địa danh như đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam, đỉnh Pu Si Lung - nóc nhà biên cương Tổ quốc, cao nguyên Sìn Hồ bồng bềnh sương sớm hay các bản làng Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải ẩn hiện giữa rừng già… từ lâu đã hấp dẫn du khách ưa khám phá, yêu thiên nhiên và muốn tìm về trải nghiệm nguyên sơ.
Bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu mang vẻ đẹp độc đáo từ hình dáng đến các đường nét hoa văn trang trí. (Ảnh: Alden Anderson)
Nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc cũng tạo nên sức cạnh tranh riêng biệt cho Du lịch Lai Châu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 84,6% dân số, với 13 nhóm cư trú thành cộng đồng như Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Lự… Mỗi dân tộc mang trong mình một kho tàng văn hóa phong phú, từ tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục, ẩm thực, đến các nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn dân gian và tri thức bản địa.
Tất cả những yếu tố đó đã làm nên một Du lịch Lai Châu mang bản sắc riêng biệt, nơi du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng cảnh quan, mà còn để trải nghiệm sâu sắc đời sống văn hóa bản địa.
Đưa văn hóa vào phát triển du lịch
Trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã có những bước tiến rõ nét trong công tác bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh hiện có 11 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nghệ thuật Then và Múa xòe Thái - một niềm tự hào không chỉ của người Lai Châu mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông.
Cùng với sưu tầm, truyền dạy, phục dựng di sản, tỉnh đã khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa trong các sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ, bản Sì Thâu Chải, bản Hon, bản Nà Khương... Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Tủ Cải của người Dao, Lễ hội Then Kin Pang, Gầu Tào… được tổ chức thường niên, trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá bản sắc Tây Bắc. Các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống, lễ hội dân gian, ẩm thực truyền thống, trình diễn văn nghệ dân tộc, lưu trú tại nhà sàn… giúp du khách cảm nhận sâu sắc đời sống văn hóa địa phương, góp phần tạo nên một hệ sinh thái du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa.
Đặc biệt, Lai Châu đã có bước tiến nổi bật khi bản du lịch Sin Suối Hồ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đạt Giải thưởng “Du lịch cộng đồng ASEAN” tại Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2023. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc gắn kết giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hơn 975 đội văn nghệ quần chúng được duy trì tại các bản làng, vừa góp phần phát triển vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, vừa là cầu nối gắn kết du khách với văn hóa bản địa. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn văn hóa trong trường học, với 100% nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong trường học, xây dựng được không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu; 45 trường học đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, thiết thực các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.
Chuyển động mạnh mẽ từ chính sách đến hành động
Ngay sau khi Nghị quyết của tỉnh về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch được ban hành vào năm 2021, hàng loạt đề án, kế hoạch cụ thể đã nhanh chóng được triển khai. Nổi bật là Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”, với mục tiêu khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị, di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Đồng thời, đề án hướng đến huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Tiếp đó, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã được ban hành. Lai Châu đặt mục tiêu năm 2025 đón hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó đạt trên 35.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2030, mục tiêu là thu hút trên 2,4 triệu lượt khách, trong đó có trên 56.000 lượt khách quốc tế; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu và đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, cao nguyên Sìn Hồ và Ô Quý Hồ được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia, góp phần đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Bắc và cả nước.
Cùng với đó, Chương trình kích cầu du lịch được triển khai đồng bộ với thông điệp “Lai Châu - Đến để yêu”. Điểm sáng trong chương trình này là sự gắn kết giữa văn hóa, du lịch và truyền thông thông qua hàng loạt sự kiện quy mô được tổ chức như: Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2025; Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Cần Thơ; Hội thảo xây dựng, quảng bá sản phẩm trekking, hiking của Lai Châu; các hoạt động liên kết vùng, mở rộng không gian du lịch và xây dựng các gói sản phẩm kích cầu; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa dân tộc như du lịch cộng đồng, trekking chinh phục đỉnh cao, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp trở thành trọng tâm phát triển.
Các hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, Lai Châu triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp then chốt: lồng ghép mục tiêu phát triển du lịch vào chiến lược kinh tế - xã hội; hoàn thiện chính sách đặc thù về bảo tồn văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP; đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh quảng bá, ứng dụng chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu du lịch. Cùng với đó, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế; thu hút đầu tư, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lai-chau-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-gan-voi-phat-trien-du-lich-20250723094508944.htm
Bình luận (0)