Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm báo từ trái tim, công nghệ không thay thế được

Khi làn sóng sáp nhập, tinh gọn trong lĩnh vực báo chí diễn ra quyết liệt, cánh cửa nghề báo với những sinh viên trở nên hẹp lại và đầy thử thách. Thế nhưng, thay vì chùn bước, nhiều bạn trẻ đã chủ động trang bị hành trang để tự mình mở lối vào tương lai.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam07/05/2025

Nỗi lo

"Em khá lo lắng về cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhất là trong bối cảnh ngành báo chí đang chuyển mình mạnh mẽ. Nỗi lo lớn nhất của em là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi mà không chỉ sinh viên báo chí mà cả các ngành khác cũng có thể tham gia sản xuất nội dung, viết báo hoặc làm truyền thông nhờ vào công nghệ và mạng xã hội. Ngoài ra, em cũng lo lắng về việc nhiều tòa soạn đang cắt giảm nhân sự hoặc chuyển sang mô hình số, khiến cơ hội việc làm ít đi. Em sợ rằng kỹ năng mình học được trong trường có thể không theo kịp yêu cầu thực tế của thị trường lao động hiện nay" - Bùi Dương Quỳnh Hương, sinh viên năm 2 chuyên ngành Báo Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.

Không khó để hiểu những trăn trở ấy. Khi các tòa soạn liên tiếp sáp nhập, khi những đợt cắt giảm nhân sự không ngừng diễn ra, bức tranh cơ hội việc làm của sinh viên báo chí bỗng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Cạnh tranh không chỉ đến từ những bạn học cùng chuyên ngành, mà còn đến từ những người trẻ ở các lĩnh vực khác.

Nguyễn Minh Tước, sinh viên chuyên ngành Truyền thông đại chúng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nhìn nhận: "Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo thêm áp lực mới, khi những công việc biên tập cơ bản có thể bị máy móc thay thế. Người làm báo trẻ buộc phải tạo ra giá trị riêng mà công nghệ không thể sao chép."

Cần "chất riêng" để làm nghề

Để thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ của nghề báo, nhiều sinh viên đã chủ động trang bị cho mình hành trang đa dạng - từ kỹ năng đa phương tiện, làm chủ công nghệ đến tư duy sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp - để sẵn sàng bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, tìm kiếm cơ hội giữa những đổi thay chưa từng có của nền báo chí Việt Nam.

Không chỉ trau dồi kiến thức, các bạn còn lao vào học hỏi kỹ năng sản xuất đa phương tiện - từ quay dựng video, chụp ảnh, làm podcast đến quản trị mạng xã hội. Công nghệ không còn là nỗi ám ảnh, mà trở thành công cụ, trở thành "vũ khí" mới trên hành trình chinh phục nghề báo.

Nguyễn Thuỳ Linh, sinh viên năm 3 chuyên ngành Báo mạng điện tử (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đã sớm nhận ra rằng: một nhà báo trẻ ngày nay phải có khả năng "cân" nhiều vị trí - vừa viết, vừa quay, vừa dựng, vừa quản lý nội dung số. Thuỳ Linh dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật sản xuất nội dung đa nền tảng, tham gia các hội thảo chuyên môn, không ngừng cập nhật xu hướng mới trong ngành truyền thông.

Với Trần Minh Phương, sinh viên chuyên ngành Ảnh Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), việc trang bị kỹ năng không chỉ dừng lại ở chuyện học trong lớp. Minh Phương tìm kiếm các chuyến đi thực tế, những trải nghiệm tác nghiệp ngoài đời thật để rèn luyện khả năng phản ứng linh hoạt, xử lý tình huống, và làm giàu vốn sống - điều không giáo trình nào có thể dạy trọn vẹn.

Bên cạnh kỹ năng, các bạn sinh viên còn rất chú trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức nghề nghiệp. Trong cơn lốc thông tin hỗn độn, các bạn hiểu rằng: Một nhà báo có giá trị không chỉ vì nhanh nhạy, mà còn vì biết lắng nghe, biết cảm nhận những câu chuyện đời thực, và bền bỉ đi tìm sự thật.

"Chất riêng" - là từ khóa mà Quỳnh Hương nhấn mạnh khi chia sẻ về hành trang người trẻ làm báo cần có bởi đó như dấu ấn khẳng định "cái tôi" của người làm báo, tuy báo chí là sự phản ánh khách quan nhưng chính "cái tôi" riêng biệt, lối suy nghĩ mới mẻ sẽ khẳng định nên tài năng, trí tuệ cũng như đạo đức của mỗi nhà báo trẻ hiện nay.

Trong thế giới ngập tràn thông tin, Nguyễn Minh Tước cho rằng, nhà báo trẻ cần biết dừng lại, lắng nghe và tìm ra những câu chuyện thực sự có sức nặng cảm xúc. "Mỗi nội dung chúng ta sáng tạo phải thật sự có trọng lượng để khẳng định giá trị của mình trong một thế giới ngập tràn thông tin. Khi nội dung đi từ trái tim, đi từ những giá trị cốt lõi, thì dù công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn được vai trò của người làm báo".

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/lam-bao-tu-trai-tim-cong-nghe-khong-thay-the-duoc-2025050515240882.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm