Khó khăn nhiều bề
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp cũng chịu nhiều tác động bất lợi của các xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Một khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do vậy, theo các chuyên gia, đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy cải cách, khơi thông nguồn lực để tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao và bền vững.
Cải cách thể chế, nâng cao hiệu suất
Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những “từ khóa” then chốt. Qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đâu cũng là yêu cầu quan trọng được đặt ra trong thời gian tới.
Cùng chung nhận định này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trong môi trường thế giới đang biến động một cách nhanh chóng, để tăng trưởng cao, phải có một tư duy “khác truyền thống”. Đó là đưa kinh tế tư nhân vào vị trí xứng đáng để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất. Đây chính là cách chúng ta đang làm.
Cùng với đó là tăng năng suất lao động, trong đó khoa học - công nghệ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố quan trọng; hình thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Đó là một vấn đề mấu chốt để đạt tăng trưởng cao.
Trong khó khăn, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings đánh giá, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế mới theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế; tái cấu trúc hoạt động xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường chính.
Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi từ xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng và nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm, nhằm đối phó hiệu quả với các biến động chính sách thương mại quốc tế cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, cần chủ động hơn nữa, thực hiện các giải pháp khả thi nhằm tận dụng tối đa về lợi thế so sánh so với nhiều quốc gia khác, khi chúng ta đang có 17 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết với hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đây là chìa khóa để thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.
Để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu… Ông Minh cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục tạo lập các động lực tăng trưởng mới và kiến tạo nền móng phát triển vững chắc về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, hạ tầng kinh tế số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Cùng nhấn mạnh đến vai trò của thể chế, TS. Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho rằng, cần chỉnh sửa các văn bản pháp luật tác động đến tăng trưởng, kể cả phía cung và phía cầu; thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho kinh tế tư nhân. Tiếp đó là thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối dữ liệu để tạo bộ máy kiến tạo sự phát triển. Đồng thời phân cấp, phân quyền triệt để, tạo điều kiện để các địa phương được quyết và được làm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/lam-moi-tao-lap-nhung-dong-luc-tang-truong-163186.html
Bình luận (0)