Đó là chia sẻ của bà Phoebe Trần, Giám đốc Crimson Education Việt Nam, tổ chức chuyên về cố vấn chiến lược chinh phục đại học hàng đầu thế giới, trước sự lo lắng, hoảng loạn của nhiều sinh viên khi Chính phủ Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế.
Mới đây, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tước quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard.
Đây là bước leo thang đáng kể trong cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài giữa Chính phủ Mỹ và trường đại học danh tiếng hàng đầu xứ cờ hoa.

Quyền cấp thị thực du học (F và J) cho sinh viên quốc tế của Harvard đã bị thu hồi (Ảnh minh họa: Sportico).
Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa ra thông báo cho biết Đại học Harvard sẽ không còn được phép tuyển sinh viên nước ngoài mới. Những sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học Harvard sẽ phải chuyển trường hoặc bị đưa vào diện cư trú bất hợp pháp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về những suy nghĩ ban đầu về sự việc này, bà Phoebe Trần giải thích, Harvard thực chất không bị cấm tuyển sinh viên quốc tế mà họ bị tước quyền cung cấp I-20 cần có cho visa.
Trên thực tế, họ vẫn đã tuyển sinh viên quốc tế cho kỳ học 2024-2025 và không có thông tin gì về việc họ sẽ không cho sinh viên quốc tế nộp đơn ứng tuyển cho các kỳ tiếp theo.
Quyền cấp thị thực du học (F và J) cho sinh viên quốc tế của Harvard đã bị thu hồi. Điều này có nghĩa là sinh viên quốc tế mới đến Harvard sẽ không đủ điều kiện xin thị thực sinh viên. Còn sinh viên quốc tế hiện tại Harvard sẽ cần chuyển sang một trường đại học khác để duy trì thị thực sinh viên của mình hoặc phải đối mặt với việc trục xuất.
Theo bà Phoebe Trần, sự việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi sinh viên quốc tế chuẩn bị vào năm học 2025-2026 đang bắt đầu quá trình nộp đơn xin thị thực.
Người này thông tin, việc chấm dứt này được thực hiện bởi Bộ DOH (Bộ An ninh Nội địa) bằng cách thu hồi Chứng nhận của Harvard cho Chương trình Sinh viên và Khách trao đổi (SEVIS).
Nếu bạn/con bạn có I-20 tại một trường đại học ở Mỹ, thì I-20 đó chỉ có thể được cấp bởi trường đại học có chứng nhận SEVIS.
Giám đốc Crimson Education Việt Nam cũng cho biết, lần này khác so với việc chấm dứt SEVIS trước đây. Các lần chấm dứt SEVIS trước đây vào tháng 3 nhắm vào sinh viên, dẫn đến việc trục xuất hoặc nỗ lực trục xuất trực tiếp sinh viên quốc tế.
Hành động hiện tại liên quan đến Harvard nhắm vào trường đại học, dẫn đến việc trường đại học không còn quyền tiếp nhận/giữ sinh viên quốc tế.
Bà Phoebe Trần giải thích, ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ) quản lý tất cả chứng nhận SEVIS của các trường đại học Hoa Kỳ.
DHS (Bộ An ninh Nội địa) có quyền ban hành các chỉ thị hoặc chính sách có thể thay thế các quyết định của ICE, bao gồm cả việc chấm dứt hồ sơ SEVIS và chứng nhận SEVIS.
Harvard đã không cung cấp thông tin chi tiết về sinh viên và nhân viên quốc tế của trường khi chính quyền Trump yêu cầu và kiện ngược lại chính quyền Trump (với lý do việc chính quyền đóng băng quỹ tài trợ nghiên cứu của trường là bất hợp pháp).
Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã đề nghị Harvard phải trả lời trong vòng 72 giờ để tránh việc trường đại học này bị loại khỏi Chương trình Trao đổi Sinh viên và Khách tham quan (SEVP).
Trong 72 giờ này, Harvard được yêu cầu cung cấp các thông tin sinh viên quốc tế tại trường trong vòng 5 năm trở lại đây (bao gồm video, ảnh, âm thanh, tài liệu viết); hoạt động bất hợp pháp (trong hoặc ngoài khuôn viên trường); hành vi nguy hiểm hoặc bạo lực (trong hoặc ngoài khuôn viên trường); đe dọa sinh viên hoặc nhân viên; tước đoạt quyền của người khác; hoạt động biểu tình trong khuôn viên trường...
Theo quan sát của bà Phoebe Trần, cộng đồng Harvard, chỉ vài giờ sau khi chứng nhận SEVIS bị thu hồi, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sinh viên quốc tế.
Hiệu trưởng trường MIT kế bên đại học Harvard, bà Sally A. Kornbluth cũng đã chia sẻ qua email tới cộng đồng trường MIT, viết rằng bà "vô cùng không tin" vào quyết định này.

Bà Phoebe Trần, Giám đốc Crimson Education Việt Nam (Ảnh: R.N).
Bà Phoebe Trần đưa ra suy đoán, Harvard có thể có 2 lựa chọn: Một là tuân thủ yêu cầu của chính quyền đưa ra bằng việc cung cấp thông tin được yêu cầu về sinh viên quốc tế cho 5 năm trở lại đây; hai là thực hiện hành động pháp lý kiện lại quyết định của chính phủ Mỹ.
Chưa có bằng chứng nào trong các hành động trước đây cho thấy Harvard sẽ tuân thủ đầy đủ yêu cầu của chính quyền trong nhiệm kỳ hiện tại của Chủ tịch trường là ông Alan M. Garber.
Ngoài ra, dựa trên hành động của bang California vào tuần trước, Harvard cũng có thể yêu cầu một thẩm phán liên bang chặn việc thu hồi chứng nhận SEVIS của chính phủ.
Bà Phoebe Trần, trong bối cảnh này sinh viên Việt cần tránh hoảng loạn, kiên nhẫn đợi thêm thông tin cụ thể trong những ngày tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/lenh-cam-voi-dai-hoc-harvard-chuyen-gia-luu-y-voi-sinh-vien-viet-20250523162116458.htm
Bình luận (0)