Dầu lạc tự ép được người dân ưa chuộng
Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (phường Việt Trì) chia sẻ: “Gia đình tôi rất lo lắng về dầu ăn trên thị trường. Nghe nhiều thông tin về dầu ăn giả, tôi không dám mua dùng nữa. Thay vào đó, tôi thường xuyên tìm mua lạc sạch của bà con ở quê hoặc mang lạc đến các cơ sở ép dầu để tự ép lấy dầu về dùng. Tuy tốn công một chút nhưng đổi lại sự an tâm về chất lượng”.
Không chỉ chị Hiền, nhiều gia đình khác cũng đang chuyển hướng sang sử dụng dầu tự ép. Việc tự tay ép dầu từ các loại hạt như lạc, vừng, đậu nành... sẽ giúp kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo dầu không bị pha tạp, không chứa chất bảo quản hay hóa chất độc hại. Người dân tin rằng đây cũng là một cách để khôi phục lại thói quen tiêu dùng truyền thống, khi mà dầu ăn tự ép là lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình Việt trước đây.
Hiện nay, theo giá thị trường, một lít dầu lạc có giá từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/lít tùy loại. Như vậy, dầu lạc đắt gần gấp 3 lần các loại dầu ăn công nghiệp (khoảng 45.000 đồng/lít) trên thị trường. Người dân vẫn chấp nhận giá cao để sử dụng dầu lạc thay cho các loại dầu ăn công nghiệp.
Dầu lạc Đông Thành được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Không chỉ “rộ” xu hướng người dân tự đi ép dầu, nhiều sản phẩm dầu ăn từ thực vật của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cũng trở nên sốt theo thị trường. Xã Đông Thành vốn có lợi thế lớn với diện tích đất trồng lạc lên tới hơn 90ha, đạt năng suất gần 21 tạ/ha. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ nguồn nguyên liệu sẵn có, HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành đã nhen nhóm ý tưởng đầu tư máy móc, sản xuất dầu lạc mang thương hiệu riêng. Đây là một bước đi chiến lược, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
Ông Chử Văn Tuấn – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành cho biết: “Ngày nay, nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm sạch từ tự nhiên khiến cho thị trường sản phẩm này khá rộng mở. Chúng tôi đã đầu tư, mua sắm các thiết bị sản xuất hiện đại như máy ép dầu lạc, máy lọc dầu, máy đóng chai và tem nhãn sản phẩm. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế tích cực”.
Dầu lạc Đông Thành được sản xuất từ nguồn lạc dồi dào tại địa phương
Nhờ đó, trung bình mỗi năm, có thể ép được trên 6 tấn lạc, đem lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Đến nay, sản phẩm Dầu lạc Đông Thành không chỉ được đầu tư sản xuất bài bản, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà còn vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Trong tương lai, việc nhân rộng các mô hình sản xuất dầu thực vật sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng như Dầu lạc Đông Thành là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Phú Thọ, khẳng định chất lượng và uy tín của các sản phẩm địa phương trên thị trường.
Công đoạn ép dầu lạc của HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành
Trước thực trạng người dân ngày càng lo ngại về dầu ăn giả, kém chất lượng, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong công tác kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh dầu ăn giả, nhái, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường thông tin, tuyên truyền về cách nhận biết dầu ăn sạch, an toàn cũng là yếu tố quan trọng giúp người dân nâng cao cảnh giác. Chỉ khi thị trường được thanh lọc, những sản phẩm dầu ăn đạt chuẩn chất lượng được bảo vệ, người dân mới thực sự an tâm khi lựa chọn thực phẩm thiết yếu cho gia đình mình, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Thùy Trang
Nguồn: https://baophutho.vn/lo-ngai-dau-an-gia-nguoi-dan-tu-ep-dau-de-su-dung-235802.htm
Bình luận (0)