Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Luật sư nói gì về trào lưu đăng ảnh AI ‘bị cảnh sát giao thông xử phạt’?

Nhiều người tạo, chia sẻ ảnh, video AI với nội dung ‘bị cảnh sát giao thông xử phạt’ để câu view. Hành vi này có thể vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

VietNamNetVietNamNet10/07/2025

Thời gian vừa qua, các mạng xã hội như Facebook, TikTok tràn ngập hình ảnh, video “bị cảnh sát giao thông xử phạt” do người dùng đăng tải và chia sẻ. Điểm chung của các bức ảnh này là một nhân vật chính tạo dáng sang chảnh bên những chiếc xe sang, biển đẹp, bên cạnh là những người mặc trang phục giống lực lượng chức năng ghi biên bản và điều tiết giao thông.

W-tao anh AI csgt.jpg

Hai trong số các bức ảnh theo trào lưu "đăng ảnh bị cảnh sát giao thông xử phạt". Ảnh: FB

Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải ảnh chụp thực tế mà là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Cư dân mạng tiếp tục tạo ra một trào lưu mới để đùa vui, câu tương tác mà không hề hay biết về tác hại của nó, đặc biệt khi nội dung liên quan đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phụng Sự Công Lý, nhận định: "Ranh giới giữa “sống ảo” vô hại và hành vi vi phạm pháp luật khi tạo ảnh, video AI là rất mong manh".

Một sản phẩm “không có thật” khi được chia sẻ lên mạng xã hội hoàn toàn có thể gây hiểu sai về hoạt động của cơ quan nhà nước, khó kiểm soát các phản ứng theo chiều hướng tiêu cực.

Theo luật sư Đăng Ngọc Duệ, tùy thuộc vào nội dung hình ảnh, video được dàn dựng, mục đích của người sản xuất/phát tán sẽ có các lỗi và quy định xử lý riêng. Các chế tài dân sự, hành chính, hình sự đều có thể áp dụng.

Một số hành vi bị xem là vi phạm bao gồm: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức có thể bị xử phạt tiền từ 10–20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 37, Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP; Sử dụng hình ảnh cá nhân, tài sản của người khác mà không được sự đồng ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ (chẳng hạn, biển số xe trùng với biển số xe của một cá nhân nào đó) có thể phải bồi thường thiệt hại.

W-luat du Dang Ngoc Due 1.jpg

Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phụng Sự Công Lý. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, luật sư chỉ ra hành vi tạo dựng video, hình ảnh sai sự thật nhằm bôi nhọ hoạt động của lực lượng chức năng hoặc gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự. Một số tội phạm liên quan như: Tội vu khống quy định tại Điều 156, Tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017.

Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định các yếu tố như “dụng ý xấu” và “mức độ ảnh hưởng” đến xã hội để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm. Bởi, đây là những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ vi phạm, loại vi phạm và chế tài xử lý (hành chính hay hình sự).

Một số nội dung có thể được xem xét khi xác định yếu tố có dụng ý xấu như: sản phẩm có dùng từ ngữ mỉa mai, công kích, xuyên tạc sự thật không; sản phẩm có dàn dựng tình huống nhạy cảm, sai lệch hình ảnh công an không; sản phẩm có tạo hiểu lầm cố ý bằng cách làm video trông giống thật, không gắn chú thích “hư cấu”.

Về đánh giá mức ảnh hưởng đến xã hội, các yếu tố được xem xét bao gồm: hình thức lan truyền, thời gian lan truyền, thời điểm lan truyền cũng như người lan truyền có phải người có ảnh hưởng tới xã hội không.

Trước trào lưu “sống ảo” kể trên, luật sư Đăng Ngọc Duệ khuyến cáo mọi người khi sản xuất, đăng tải nội dung AI nhằm mục đích giải trí cần có nội dung cảnh báo rõ ràng, tránh nội dung xuyên tạc, tiêu cực, không dùng hình ảnh giống người thật, nhất là công an hoặc cán bộ, công chức, viên chức, không gắn thông tin cơ quan, tổ chức cụ thể.

Với người tiếp nhận thông tin, cần dùng tư duy phản biện và hình thành kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch. Không nên chia sẻ, bình luận cảm tính về các hình ảnh liên quan đến cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi công vụ. Kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền cho những người xung quanh. Việc chia sẻ cũng có thể gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

“Mạng xã hội và công nghệ AI không hề tiêu cực, nhưng sự tiêu cực lại nằm ở cách sử dụng một cách thiếu trách nhiệm và hiểu biết. Mỗi cá nhân cần tự trang bị kiến thức pháp luật, nắm được rõ ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, đồng thời cần có sự tôn trọng cá nhân, tổ chức và hoạt động của các cơ quan chức năng”, luật sư Đăng Ngọc Duệ kết luận.

Vô tư chia sẻ tin giả, không hay biết có thể bị phạt tới 20 triệu đồngTạm dừng, chậm lại một chút khi tiếp nhận thông tin để phân tích, đánh giá – hành động nhỏ này giúp bạn tránh tiếp tay cho tin giả và bị phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/luat-su-noi-gi-ve-trao-luu-dang-anh-ai-bi-canh-sat-giao-thong-xu-phat-2419892.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm