"Mua vì thích, tiêu vì thói quen"
Nguyễn Anh Khôi, sinh viên năm 2 Trường Đại học Công đoàn, chia sẻ: "Em cũng biết mình nên ưu tiên mấy khoản cần thiết như ăn uống, học hành, không nên vung tay cho mấy chuyện như mua đồ linh tinh hay đi chơi quá nhiều.
Nhưng lúc cầm tiền trong tay, thấy bạn bè rủ đi cà phê, đi xem phim hay săn hàng hạ giá một chút là em lại xiêu lòng.
Nghĩ các khoản này không bao nhiêu nhưng cộng lại thì hết cả tháng lương làm thêm. Cuối tháng nhìn lại thì chẳng còn dư được đồng nào. Có lần em bị tai nạn xe nhẹ cần tiền sửa xe và khám bệnh mà không xoay kịp.
Lúc đó cảm giác thật sự bất lực, vừa lo lắng, vừa tự trách mình. Mấy ngày em không có tinh thần làm gì cả, học hành cũng chểnh mảng hẳn luôn. Từ đó em mới hiểu là nếu không tiết kiệm từ đầu thì hậu quả không chỉ là hết tiền lúc cấp bách, mà còn ảnh hưởng tới cả tinh thần và việc học của bản thân nữa".
Với không ít sinh viên, những tình huống như vậy đã từng xảy ra rồi. Thói quen tiêu xài thiếu cân nhắc "chi trước nghĩ sau" đã trở thành điều quen thuộc trong cuộc sống.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân, mà lâu dần còn dễ tạo ra thói quen chi tiêu thiếu hợp lý.

Sinh viên lạc trong mê cung chi tiêu và hoàn toàn có thể "trắng ví, trắng tài khoản" khi đến cuối tháng (Ảnh minh họa: AI).
Bùi Thị Kim, sinh viên năm nhất Đại học Hồng Đức, cũng chia sẻ: "Mình đã từng nghĩ rằng việc đầu tư vào hình ảnh trên mạng xã hội thông qua trang phục và phụ kiện là một cách để thể hiện bản thân và tạo phong cách riêng.
Mình dành khá nhiều tiền để mua những món đồ thời trang nhưng có những món chỉ diện một đến hai lần lên ảnh rồi bỏ xó. Ngoài ra, mình còn dành rất nhiều tiền để chi cho những quán ăn, quán cà phê hay những địa điểm đi chơi có cảnh đẹp để chụp ảnh.
Không hẳn là cần thiết, mà mình chỉ muốn hình ảnh của mình nhìn thật ấn tượng và nhận được nhiều lượt like hay bình luận trên mạng. Dù biết đây chỉ là sự công nhận ảo nhưng mình vẫn say mê".
Đầu tư vào hình ảnh cá nhân thông qua trang phục và các địa điểm chụp ảnh đẹp không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là cách nhiều người trẻ tìm kiếm sự công nhận và khẳng định bản thân.
Tuy nhiên, khi điều này trở thành áp lực tài chính và tâm lý, ranh giới giữa sự cần thiết và sự phung phí trong chi tiêu có thể mờ nhạt.
Tâm lý muốn thể hiện bản thân khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình huống mua sắm những món đồ chỉ để thỏa mãn nhu cầu nhất thời. Về lâu dài, họ không thực sự sử dụng chúng".

Việc ghi lại thu nhập, chi tiêu và phân chia các khoản tài chính theo mục sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn tài khoản của mình (Ảnh minh họa: AI).
Làm sao để sinh viên không tiêu quá tay
Là một chuyên gia tài chính và tư vấn quản lý tài chính cá nhân với nhiều năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: "Việc không kiểm soát tốt tài chính cá nhân dễ khiến sinh viên rơi vào tình trạng vung tay quá trán. Trước khi mua sắm, hãy tự hỏi mình: "Món này có thực sự cần không?" hoặc "Nó có mang giá trị lâu dài không?". Hãy cân nhắc bỏ qua hoặc tìm một lựa chọn phù hợp hơn.
Hãy thử lập một ngân sách hàng tháng hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu đang phổ biến hiện nay. Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng việc ghi lại thu nhập, chi tiêu và phân chia các khoản tài chính theo mục sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về tình hình tài chính của mình".
Chuyên gia chia sẻ rằng, việc phân chia các khoản chi thành hai nhóm như các khoản cần thiết như học phí, tiền thuê nhà, thực phẩm và những khoản không cần thiết như ăn uống ngoài hay mua sắm sẽ giúp sinh viên nhận ra mình đang chi tiêu ở đâu và có thể điều chỉnh cho hợp lý hơn.
"Cuối tháng, hãy nhìn lại xem bạn đã chi tiêu như thế nào, có khoản nào vượt quá dự kiến không, và điều chỉnh cho tháng sau. Việc này sẽ giúp bạn dần dần cải thiện khả năng quản lý tài chính của mình", anh Minh Tuấn cho biết thêm.
Thầy Lê Văn Tường, giảng viên tài chính - Khoa Kinh tế tại một trường đại học trên địa bàn tỉnh Hà Nội, cũng đưa ra một số mẹo giúp sinh viên có thể tiết kiệm hiệu quả.
Thầy luôn khuyến khích các bạn sinh viên tham gia vào các buổi tư vấn và hội thảo dành cho sinh viên. Từ đó, các bạn có thể nắm vững các nguyên tắc chi tiêu thông minh, lập kế hoạch tài chính cá nhân và phát triển thói quen tiết kiệm.
Ngoài ra, sinh viên có thể tiết kiệm bằng cách tìm kiếm các chương trình giảm giá hoặc lựa chọn những sản phẩm đã qua sử dụng.
"Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng và dịch vụ có ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên. Các em có thể lên mạng tìm kiếm hoặc hỏi các anh chị khóa trên. Sách vở, tài liệu có thể xin lại từ anh chị đi trước, các đồ dùng cần thiết có thể tìm mua tại các chợ đồ cũ uy tín. Đây cũng là một cách giúp các em tiết kiệm được một khoản", thầy Tường chia sẻ.
Bên cạnh đó, thầy cũng gợi ý: "Nếu các bạn cảm thấy buồn chán hay căng thẳng, thay vì lao vào mua sắm, hãy thử tìm những hoạt động khác như tập thể dục, đọc sách hay gặp gỡ bạn bè giúp các em thay đổi thói quen".
Việc nhận thức rõ ràng về giá trị của từng khoản chi tiêu là rất quan trọng để tránh lãng phí và xây dựng thói quen tài chính lành mạnh. "Mỗi quyết định chi tiêu đều có thể ảnh hưởng đến tương lai và thói quen tài chính của bạn. Do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn", thầy Tường nêu quan điểm.
Mai Thắm
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mai-ca-phe-san-hang-ha-gia-sinh-vien-giat-minh-khi-cuoi-thang-trang-vi-20250520122641990.htm
Bình luận (0)