Bìa cuốn sách |
Tác phẩm mở đầu bằng bước chân của Thẩm và Len - hai thiếu niên dân tộc Chăm, nhà nghèo phải bỏ học để theo mẹ vào trại chăn cừu thuê. Câu chuyện đời thường ấy, dưới ngòi bút của Lê Đức Dương được nâng lên thành một hành trình trưởng thành vừa dữ dội vừa đẹp đẽ. Những đứa trẻ ấy không chỉ "chăn cừu" mà còn học cách sống, cách yêu, cách mơ mộng và cả cách tổn thương.
Cuốn sách khắc họa một tuổi thơ giữa mảnh đất hoang cằn cỗi, đầy nắng gió ở miền thảo nguyên Panduranga. Ở đó, sự ngây thơ và khắc nghiệt không loại trừ nhau. Đứa trẻ bị phân biệt vì “gầy quá” (Thẩm), con cừu đầu đàn bị đánh dấu để dễ phân biệt khỏi lạc, và tên Sầm - một kẻ mục đồng độc đoán, là hiện thân của quyền lực bầy đàn - như đang nhấn mạnh rằng thế giới trẻ em không chỉ có ngọt ngào.
Miền thảo nguyên Panduranga - Ninh Thuận. |
Bằng giọng văn dân dã, gần gũi, lối miêu tả tỉ mỉ nhưng đầy trữ tình, tạo hình, đầy âm thanh và hình ảnh, cuốn sách đã biến thiên nhiên thành nhân vật thực thụ. Trong truyện, cả cỏ, sim, bụi lau, dòng sông Quao, tháp Po Klaung Girai hay tiếng kèn Saranai đều có vai trò như những nhân vật hỗ trợ, nâng đỡ hành trình của các em nhỏ.
Tác phẩm cũng sở hữu vô số chi tiết nhỏ nhưng thấm thía, giàu biểu tượng. Như khi Thẩm gọi con cừu nhỏ là “công chúa Trà My” - được sinh bên bụi trà my rừng; hay việc Len thổi bài “Kay Kamao” bằng kèn Saranai - bản tình ca nổi tiếng của người Chăm, vang lên giữa đồng cỏ như lời tỏ tình ngây thơ mà sâu sắc. Những “trò chơi” của trẻ em trong truyện cũng là chất liệu độc đáo: Chui qua bụng bò, đào củ mài, bắt dế, hái sim rừng… đều được miêu tả bằng cái nhìn ngây thơ đầy chất hóm hỉnh, thơ mộng. Chính những trò chơi mang đậm yếu tố dân dã ấy đã tạo nên bản sắc riêng cho tác phẩm, vừa hiện thực vừa giàu nghệ thuật.
Tác giả Lê Đức Dương giao lưu với học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang ngày ra sách. |
Điều đặc biệt, tác giả không viết về văn hóa Chăm – Raglai như một người quan sát bên ngoài. Ông sống cùng nó, thở cùng nó từ từ ngữ đến chi tiết đời sống (gùi mây, khăn Aban, áo Dwabong…), đến tín ngưỡng (thần Shiva, nghi lễ Ka tê), mọi yếu tố đều được đưa vào một cách tự nhiên, hài hòa. Tác phẩm không lý giải văn hóa Chăm bằng ngôn ngữ lý thuyết. Thay vào đó, văn hóa ấy sống dậy qua hành động, cảm xúc và ký ức của các nhân vật. Điều này khiến Miền thảo nguyên Panduranga vừa là tiểu thuyết thiếu nhi, vừa là một “bản đồ cảm xúc” để người đọc trẻ khám phá di sản văn hóa dân tộc thiểu số bằng tất cả sự háo hức và trân trọng.
Ẩn sau câu chuyện về những đứa trẻ chăn cừu là một thông điệp xã hội rõ ràng: Tuổi thơ ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang thiếu thốn, thiệt thòi. Các em vẫn bị buộc rời khỏi trường học, bước ra đồng cỏ khi còn chưa biết viết tròn một câu. Tác phẩm không biến điều đó thành bi kịch, mà thành hành trình - một hành trình có thể khiến độc giả rơi nước mắt vì thương và cả vì khâm phục. Cuốn sách là lời nhắn gửi nhẹ nhàng tới người lớn: Rằng đừng chỉ kể cho con trẻ nghe về những giấc mơ phương Tây, mà hãy cho chúng biết về Thẩm, về Len - những đứa trẻ đang sống thật, yêu thật, chịu đựng thật ngay trên đất nước này.
Miền thảo nguyên Panduranga là một bài ca thiếu nhi đặc biệt - nơi tiếng kèn Saranai có thể cất lên thay cho lời yêu thương, nơi chú khỉ Còm và mèo Ngao cùng chăn bò như những nhân vật hoạt hình, nơi tình bạn và văn hóa sống dậy dưới nắng và bụi đỏ. Một cuốn sách không chỉ để đọc, mà để thấm, để nghĩ và để nhớ.
CHÂU THÁI MINH THỌ
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/mien-thao-nguyen-panduranga-bai-ca-tren-dong-co-ruc-nang-e3c2d11/
Bình luận (0)