Mảnh đất vùng địa đầu Tổ quốc Hà Giang ghi dấu trong lòng du khách bởi sắc vàng rực của loài hoa cải bé nhỏ. Ảnh: KHẢ THỊNH |
Mùa hoa gọi bước chân
Trở về từ Huế mà tâm hồn chị Nguyễn Thị Minh Thư (42 tuổi, quận Cẩm Lệ) vẫn còn phiêu diêu giữa hương hoa. Chị thì thầm kể về sắc tím hoang dại của hoa mua trên những triền đồi A Lưới sương khói, về vẻ kiêu sa của ngô đồng - “vương giả chi hoa” đứng lặng yên giữa hoàng cung xưa, như những nhân chứng thầm lặng của thời gian. Đó là trạm dừng thứ ba trong hành trình “theo dấu mùa hoa” của chị năm nay. Chỉ vỏn vẹn mấy tháng sau Tết, chị đã kịp đắm mình trong sắc hồng của mai anh đào Đà Lạt tinh khôi đầu xuân hay ngẩn ngơ trong làn sương trắng bao phủ đồi mận Mộc Châu.
Với chị Thư, mỗi chuyến đi là dịp để hòa mình vào thiên nhiên, để lắng nghe nhịp đập riêng của từng vùng đất. Có khi là khoảnh khắc ngồi lặng yên dưới tán hoa, hít sâu mùi hương trong trẻo của đất trời; có khi chỉ là một ánh nhìn say đắm giữa sắc màu bất chợt trên sườn núi. Không riêng gì chị, ngày càng nhiều người tìm đến những mùa hoa như một hành trình đánh thức cảm xúc. Có mùa gọi người bằng sắc tím man mác trải dài triền đồi, có mùa níu bước bởi hương thơm nhè nhẹ vương trong gió…
Dọc theo chiều dài đất nước, bốn mùa mang theo những loài hoa gắn liền với đặc trưng khí hậu và văn hóa từng vùng, làm sáng bừng bản đồ du lịch nội địa. Xuân về, những sườn núi phía Bắc khoác lên mình tấm áo đa sắc: hồng phai của đào, trắng muốt mận Mộc Châu, vàng óng cải Yên Bái, thảm hoa rực rỡ của cao nguyên đá Hà Giang… Khi tháng Ba gõ cửa, Tây Nguyên bừng tỉnh trong hương thơm ngọt ngào của hoa cà phê, mang theo hứa hẹn về vụ mùa bội thu.
Hạ về, miền Trung như khoác lên mình tấm áo tím mộng mơ của hoa sim, trải dài từ Quảng Nam, Huế đến Phú Yên… Cùng lúc ấy, miền Tây lại rộn ràng mùa nước nổi, khi sắc vàng của điên điển, so đũa phản chiếu trên mặt nước, tạo nên bức tranh thủy mặc sống động. Hương vị của những món ăn dân dã - từ canh chua bông điên điển đến gỏi hoa súng, bánh xèo bọc hoa - đưa du khách vào hành trình khám phá ẩm thực gắn liền với sinh thái bản địa.
Thu sang, cao nguyên Đà Lạt chuyển mình trong sắc vàng rực rỡ của dã quỳ. Và khi đông ghé qua, mai anh đào chúm chím nụ - báo hiệu một mùa xuân nữa sắp về. Ngay cả Hà Nội cũng thành “tọa độ hoa” quanh năm: từ cúc họa mi trắng tháng Mười Một đến ban tím tháng Ba, mỗi góc phố đều mang trong mình một nhịp thơ dịu dàng.
Xu hướng du lịch theo mùa hoa
Sức hút của những mùa hoa Việt Nam không chỉ dừng lại ở những rung động thuần túy của cảm xúc. Sự bùng nổ của xu hướng “săn hoa” cũng tạo nên làn sóng dịch chuyển điểm đến. Nếu trước đây, du khách thường chọn các tour nước ngoài, thì nay họ quay về với những cung đường trong nước bởi vẻ đẹp nguyên sơ, chi phí hợp lý và cả cảm giác gần gũi, gắn bó.
Theo ông Cấn Đình Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế HBC Besttour Vietnam, du lịch theo mùa hoa gắn với bản sắc địa phương đang là xu thế. Khác biệt với các sản phẩm du lịch truyền thống, tour mùa hoa mang đậm tính thời gian và không gian. Mỗi loài hoa không chỉ là điểm nhấn thị giác mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa văn hóa, là ngôn ngữ bản địa vô cùng độc đáo. “Tương tác cộng đồng cũng là một yếu tố thú vị. Chẳng hạn, khi đến với mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của đồng bào thiểu số nơi đây…”, ông Hiếu bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận, tour du lịch mùa hoa luôn đi kèm thách thức lớn về hạ tầng, chất lượng dịch vụ vì số lượng khách tăng đột biến. Bên cạnh đó, thời điểm hoa nở mỗi năm có thể lệch nhau do khí hậu thất thường khiến việc dự báo và tổ chức tour không dễ dàng. Ông Hiếu cho rằng, nếu Việt Nam có thể xây dựng bản đồ mùa hoa theo thời gian và địa phương như cách Nhật Bản đã làm với hoa anh đào, thì du lịch nội địa sẽ có bước phát triển vượt bậc, đồng thời tạo thuận lợi cho du khách trong nước lẫn quốc tế.
Việt Nam sở hữu khí hậu phân tầng, thổ nhưỡng phong phú, văn hóa đa dạng - điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch mùa hoa. Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Mai vàng U Minh… đã và đang là minh chứng cho khả năng định vị thương hiệu vùng miền từ một loài hoa. Nhưng để đi đường dài, cần chiến lược tổng thể, đồng bộ - từ kết nối chuỗi sự kiện trong năm, truyền thông theo thời điểm, đến đầu tư vào hạ tầng, vệ sinh, bãi đỗ, dịch vụ hỗ trợ.
Những cánh hoa mong manh có thể chỉ bừng nở trong thoáng chốc, nhưng nếu biết khai thác khéo léo, mùa hoa có thể trở thành thương hiệu cho một vùng đất. Và rồi, người ta sẽ chẳng chỉ đến một lần mà còn trở lại, vì cảnh sắc, vì văn hóa, và vì những cảm xúc không dễ tìm thấy ở nơi nào khác!
Các sản phẩm du lịch có tính bền vững, gắn với thiên nhiên, nông thôn, ẩm thực và sức khỏe đang trở thành lựa chọn ưu tiên của khách du lịch toàn cầu”. |
HOÀI NHƯ
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/mot-mua-hoa-mot-diem-den-4006276/
Bình luận (0)