Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả
Ngày 9/7, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp góp ý về dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi); các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; cùng chuyên gia, doanh nghiệp…
Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 chương và dự kiến 50 điều, quy phạm hóa từ 5 chính sách đã trình Chính phủ.
Đó là: Đổi mới cơ cấu hệ thống GDNN; đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN; đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế trong GDNN; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản cho GDNN; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về GDNN theo hướng minh bạch, hiệu quả.

“Chúng tôi đã cẩn trọng rà soát lại từng điểm, từng điều trong dự thảo, bám sát các yêu cầu để có thể đưa ra trình hội đồng, với tinh thần phân công công việc "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả, theo yêu cầu của Thủ tướng”, bà Nguyễn Thị Việt Hương cho biết.
Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề - mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau THCS. Bên cạnh đó, dự thảo mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN, quy định cụ thể về giảng viên đồng cơ hữu, nâng chuẩn chương trình đào tạo và hệ thống bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, nhiều quy định đã được điều chỉnh, rút gọn hoặc chuyển sang các luật liên quan nhằm giảm trùng lặp và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDNN. Những nội dung không còn phù hợp như phân loại cơ sở, điều kiện chia tách - sáp nhập, các thủ tục liên kết đào tạo quốc tế... đã được loại bỏ hoặc phân cấp cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Đồng thời, dự thảo bổ sung các quy định công nhận kết quả học tập, kỹ năng đã tích lũy; mở rộng đối tượng được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, như các cơ sở giáo dục nghệ thuật, cơ sở thuộc lực lượng vũ trang; cho phép cơ sở GDNN đầu tư ra nước ngoài, phù hợp với xu thế hội nhập toàn diện.


Dự thảo luật có nhiều đột phá
Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại phiên họp là việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định: “Dự thảo lần này có nhiều điểm đột phá, trong đó chương trình trung học nghề là bước tiến lớn, vừa góp phần phân luồng hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau THCS”.
Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng cũng bày tỏ băn khoăn khi chương trình trung học nghề được quy định tương đương THPT về văn bằng, nhưng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Điều này, theo ông, cần được cân nhắc để bảo đảm sự công bằng và tính thống nhất giữa các hệ đào tạo.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đề nghị, cần quy định rõ tỷ lệ nội dung chương trình trung học nghề, trong đó tối thiểu 2/3 thời lượng nên dành cho văn hóa phổ thông, 1/3 cho đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp học sinh đủ kiến thức thi lên đại học nếu có nhu cầu, mà còn bảo đảm kỹ năng nghề ở trình độ phù hợp.


Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá: Mô hình trung học nghề có thể giúp gỡ điểm nghẽn về phân luồng và liên thông, nhưng cần xác định rõ việc sẽ xây mới hay chuyển đổi các trường trung cấp hiện có. Việc triển khai phải được chuẩn bị đồng bộ về chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
GS.TS Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bày tỏ sự đồng tình cao với định hướng của dự thảo và cho rằng: “Nghệ thuật cần được đào tạo từ sớm và theo hệ thống. Mô hình trung học nghề nếu triển khai phù hợp sẽ tạo điều kiện để các em vừa có nền tảng văn hóa, vừa phát triển năng khiếu chuyên môn một cách bài bản”.
Tham gia góp ý về vai trò doanh nghiệp, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tổ chức đào tạo. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào GDNN – như cách nhiều nước công nghiệp hóa đã làm.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, cần bổ sung một điều riêng về phân cấp quản lý trong GDNN. Cần giao cho UBND cấp tỉnh quyền quản lý thống nhất các cơ sở GDNN trên địa bàn. Đây là điều kiện tiên quyết để các địa phương chủ động điều phối nguồn lực, tổ chức lại hệ thống theo nhu cầu nhân lực thực tế.

Thể hiện tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Luật GDNN (sửa đổi) lần này không chỉ thay thế cho Luật hiện hành mà còn phải thể hiện được tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật là rất quan trọng. Cần làm rõ giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm các trình độ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và cao đẳng. Những hình thức đào tạo nghề do doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cung cấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi nhà nước không thể quản lí toàn bộ các mô hình dạy nghề ngoài hệ thống.
Đồng thời, Luật cần tạo cơ sở để công nhận kỹ năng, chứng chỉ đào tạo, từ đó thúc đẩy học tập suốt đời, gia tăng năng lực cạnh tranh của người lao động.
Về mô hình trung học nghề, Thứ trưởng cho rằng có thể đặt tên theo đặc thù lĩnh vực như “trung học kỹ thuật”, “trung học nghệ thuật”,… tùy thuộc vào định hướng đào tạo. Quan trọng nhất là đảm bảo chương trình phù hợp, đội ngũ vững chuyên môn và có lộ trình triển khai rõ ràng.
Thứ trưởng cũng ủng hộ việc quy định giảng viên đồng cơ hữu trong Luật, nhưng lưu ý cần có định nghĩa rõ ràng. Người giảng dạy phải có bổ nhiệm, phân công rõ ràng, đảm bảo trách nhiệm và chất lượng như giảng viên cơ hữu. Tránh tình trạng lạm dụng khái niệm này cho những trường hợp mời giảng không có cam kết lâu dài.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là về mô hình trung học nghề - nội dung còn khá mới, để dư luận và những đối tượng liên quan hiểu đúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-trong-giai-doan-moi-post739052.html
Bình luận (0)