Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 với các lực lượng khác trong bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển

TCCS - An ninh môi trường biển có quan hệ chặt chẽ đến sự phát triển của đất nước. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, rác thải nhựa đại dương..., đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức, tích cực hành động, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm bảo đảm an ninh môi trường biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản09/05/2025


Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cùng các đơn vị trong toàn lực lượng tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc (Trong ảnh: Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chỉ huy diễn tập công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng, chống cháy nổ trên biển)_Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Bảo đảm an ninh môi trường nhằm phát triển bền vững đã sớm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và cụ thể hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển”(1)... “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”(2) và đặt ra mục tiêu cụ thể về môi trường đến năm 2030: “cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%”(3).

Từ những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã cụ thể hóa bằng các thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh môi trường nhằm phát triển bền vững. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ban hành ngày 25-6-2015; Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 27-12-1993, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện năm 2014 và năm 2020. Theo đó, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc tổ chức và hoạch định các chính sách, cơ chế, công cụ, điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, đảo bảo đảm quốc phòng, an ninh(4). Tại khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là cơ sở pháp lý để các chủ thể trong nền kinh tế tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh(5).

Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ mục tiêu: “Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước”(6), đề ra nhiệm vụ “tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm tại các khu vực ven biển; đầu tư, củng cố kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, thực hiện thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường tại các địa phương có biển. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí, vận tải và khai thác thủy sản trên biển; xác định vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhận chìm trên biển”(7).

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang từng bước được hoàn thiện, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường và sự cố môi trường từng bước được kiềm chế, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về môi trường nói riêng, vi phạm pháp luật khác về môi trường nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần nhận diện đầy đủ. xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống trong thời gian tới.

Thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường trên các khu vực ven biển do Bộ Tư lệnh Vùng 3 quản lý

Hiện nay, trên các khu vực biển do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh môi trường biển.

Một là, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải tiếp tục diễn biến ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… Nhiều khu công nghiệp, nhà máy không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường trong việc xả thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, kênh rạch, ao hồ, phát sinh dịch bệnh cho người và các loài vật nuôi, cây trồng.

Hai là, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều địa bàn, tính chất, quy mô vi phạm đa dạng, như khai thác nhỏ lẻ không có giấy phép, khai thác vượt ngoài diện tích cấp phép, không có phương án thiết kế khai thác, không có biện pháp hoàn nguyên, phục hồi môi trường. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát sỏi xảy ra trên hầu hết các tuyến sông. Việc không chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đầu tư, khai thác khoáng sản cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu kiểm soát làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm nguồn nước, gây sạt lở đất, biến đổi dòng chảy.

Ba là, vi phạm trong việc khai thác và đánh bắt cá trái phép, số lượng tàu thuyền đánh cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, cũng như tàu cá của Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ở nhiều mức độ khác nhau. Từ năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) công bố “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (gọi tắt là IUU). Mặc dù EC đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra về thực trạng trên và đưa ra nhiều khuyến nghị để gỡ “thẻ vàng”, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại vi phạm ảnh hưởng đến quyết định của EC. 

Bốn là, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực cảng cá; tình trạng chất thải từ các tàu, thuyền hoạt động vận tải trên biển, tàu đánh bắt hải sản... xả trực tiếp ra biển mà không có hệ thống lọc, tách chất thải; tình trạng các tàu, thuyền vứt rác trực tiếp trên biển (đặc biệt là chất thải nhựa trên đại dương); rác thải từ hoạt động du lịch tại các khu du lịch chảy ra biển... trôi dạt vào bờ biển làm gia tăng mất an ninh an toàn, gây tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên các khu vực ven biển do Bộ Tư lệnh Vùng 3 quản lý

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đã triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả các loại vi phạm pháp luật về môi trường. Nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường kéo dài, gây bức xúc trong dư luận được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, đã tạo niềm tin cũng như sự ủng hộ từ các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đã tiến hành điều tra, nắm tình hình các lĩnh vực quan trọng, như khai thác khoáng sản trái phép. Trong năm 2023, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý các sai phạm, như: Xử lý 2 vụ/4 tàu(8) vi phạm pháp luật về môi trường (khai thác cát ở vùng nước nội thủy); xử phạt vi phạm hành chính trên 421 triệu đồng; tịch thu 615,8m3 cát nhiễm mặn, bán đấu giá hơn 42 triệu đồng; thu giá trị tương đương 4 tàu khoảng 3,3 tỷ đồng.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên các khu vực ven biển do Bộ Tư lệnh Vùng quản lý. Ngoài công tác phối hợp thường xuyên với các lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Vùng 4 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng công an các tỉnh, thành phố ven biển; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Theo đó, nguyên tắc của quy chế phối hợp là tập trung, thống nhất sự chỉ huy, chỉ đạo điều hành của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trước tình trạng tàu cá vi phạm quy định IUU, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã duy trì lực lượng, phương tiện phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do Bộ Tư lệnh Vùng quản lý; tổ chức các tàu trực sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực trọng điểm(9); tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển kết hợp phòng, chống khai thác IUU, tuyên truyền cho tàu cá Việt Nam trong khu vực; phối với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các tàu cá đang hoạt động trên biển, các khu neo đậu tàu thuyền tại các bến cảng, các đảo ven bờ, kịp thời phát hiện, xử lý các tàu cá hoạt động lâu ngày không về địa phương, tàu cá loại khỏi biên chế, tàu cá hết hạn đăng kiểm, tàu cá mang biển số giả. Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã chỉ đạo các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển(10); duy trì chặt chẽ thường xuyên hoạt động của Trung tâm chỉ huy Bộ Tư lệnh vùng về việc giám sát thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khi hoạt động trên biển qua hệ thống VMS; Theo dõi, nhắc nhở kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, hải quân, Bộ đội Biên phòng, công an, kiểm ngư, chính quyền địa phương... tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Mặc dù vậy, tình trạng tàu cá vi phạm IUU vẫn còn xảy ra. Trong năm 2023, trên vùng biển Bộ Tư lệnh vùng quản lý, đã tiến hành xác minh, báo cáo 9 vụ việc/13 tàu cá/148 ngư dân của Việt Nam có hành vi vi phạm biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép bị lực lượng chức năng nước ngoài kiểm tra, bắt giữ(11). Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với các lực lượng tiến hành kiểm tra bắt giữ 3 vụ tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khác để khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của một số địa phương trong việc khảo sát tình trạng vi phạm ô nhiễm tại các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn quản lý, đánh giá thực trạng ô nhiễm, tình hình quản lý, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm, làm cơ sở trong công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm môi trường biển.

Bên cạnh những kết quả khả quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là: 1- Hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, minh bạch, chưa đủ sức răn đe tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. 2- Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn lúng túng, bị động do chưa có kinh nghiệm và chưa rõ về cơ chế; công tác phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý chưa thống nhất. 3- Ý thức pháp luật của một số cấp, ngành về bảo vệ môi trường còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. 4- Lực lượng, phương tiện trong công tác đấu tranh bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, yêu cầu nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân huyện đảo Phú Quý_Nguồn: vov.vn

Giải pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong thực thi bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển trong tình hiện hiện nay.

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về an ninh môi trường biển. Trước những thách thức về an ninh môi trường biển cũng như thực trạng bảo đảm an ninh môi trường biển ở Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật toàn diện và quy định trực tiếp về vấn đề an ninh môi trường biển trên cơ sở nội luật hóa quy định tại các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để sự phối hợp giữa các lực lượng có sự đồng bộ thống nhất, đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng chức năng liên quan trong phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường. Các lực lượng chuyên trách cần chủ động nắm chắc tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về môi trường để tập trung lực lượng đấu tranh. Định kỳ phối hợp với các cơ quan chức năng ở các cấp tổ chức tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng lực lượng, coi công tác xây dựng lực lượng là then chốt. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Hạn chế việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển một cách bừa bãi.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển nâng cao nhận thức của cộng đồng, thu gom rác thải trên tàu cá đánh bắt xa bờ; vận động, tuyên truyền ngư dân đánh bắt hải sản trên biển về cam kết hạn chế và tiến tới không sử dụng bao bì ni-lon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong mua bán hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ đánh bắt hải sản trên biển; thực hiện thu gom chất thải nhựa, rác thải có thể tái chế phát sinh từ tàu thuyền đem vào bờ xử lý, ưu tiên sử dụng sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái chế sử dụng thân thiện với môi trường phục vụ cho đánh bắt hải sản trên biển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn Bộ Tư lệnh vùng quản lý không vứt rác bừa bãi, tổ chức thu gom rác thải khu vực ven biển; phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường biển, như “Chiến dịch làm sạch biển”, “Em yêu biển đảo quê hương”, triển khai các hoạt động truyền thông về môi trường…

Thứ năm, kiểm soát hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản chặt chẽ, khoa học tiến tới kiểm soát các hoạt động đánh bắt bền vững; xử lý nghiêm đối với các hành vi khai thác tận diệt; tăng cường công tác khắc phục, cải tạo làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, xây dựng các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh vật biển; xây dựng và hoàn thiện quy hoạch không gian biển quốc gia.

Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp quản lý chất thải từ tàu, thuyền trên biển, phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường tại các khu vực cảng biển; kiểm tra việc bơm, xả thải nước có cặn bẩn từ tàu xuống vùng nước cảng biển không đúng quy định; phối hợp các lực lượng chức năng xây dựng và triển khai hệ thống khai báo chất thải trực tuyến cho các tàu vận tải khi cập cảng để kịp thời thông tin cho các bên liên quan xử lý có hiệu quả chất thải trên tàu; hoàn thiện công tác cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý chất thải cho các tàu, thuyền khi cập cảng; tăng cường các biện pháp quản lý chất thải từ tàu, thu phí gián tiếp về xử lý rác thải…

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm và ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường. Nắm tình hình, diễn biến an ninh môi trường thế giới và khu vực, những tác động gây mất an ninh môi trường trong nước, để kịp thời đề xuất những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới./.

----------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 258, 259
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 276
(4), (5) Xem: TS Nguyễn Thị Miền - TS Trần Thị Tuyết Lan: Bảo đảm an ninh môi trường để phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-10-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/828838/bao-dam-an-ninh-moi-truong-de-phat-trien-ben-vung-kinh-te-viet-nam.aspx
(6), (7) Xem: Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(8) Chủ hàng (Btr-8328; Btr-6191; SG-7189; HD-4268) vi phạm: Khai thác cát ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên; quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 48, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23, Điều 2, Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ
(9) Khu vực biển đảo Phú Quý, Khu vực Lô 05 & 06.1; khu vực đảo Sinh Tồn Đông/ QĐ. Trường Sa
(10) Tổ chức quán triệt chặt chẽ, giao nhiệm vụ cụ thể, tổ chức các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nắm chắc số lượng, kiểu loại, tính chất, quy luật hoạt động của tàu cá, đăng ký thống kê bàn giao chặt chẽ, cụ thể (số lượng, số hiệu) các tàu cá ra vào vùng biển trong khu vực được phân công quản lý
(11) Malaysia bắt giữ 7 vụ/10 tàu cá/113 ngư dân; Indonesia bắt giữ 1 vụ/1 tàu cá/12 ngư dân; Trung Quốc bắt giữ 1 vụ/2 tàu/13 ngư dân; Các tỉnh có tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ gồm: Tỉnh Bến Tre xảy ra 2 vụ/3 phương tiện/15 thuyền viên; Tỉnh Cà Mau xảy ra 1 vụ/1 phương tiện/20 thuyền viên; Tỉnh Bình Định xảy ra 1 vụ/1 phương tiện/12 thuyền viên; Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra 1 vụ/2 phương tiện/13 thuyền viên; Tỉnh Kiên Giang xảy ra 3 vụ/5 phương tiện/72 thuyền viên

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1081902/nang-cao-hieu-qua-quan-he-phoi-hop-giua-bo-tu-lenh-vung-canh-sat-bien-3-voi-cac-luc-luong-khac-trong-bao-dam-an-ninh-moi-truong-khu-vuc-ven-bien.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm