Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, tình trạng cổ đông và người có liên quan của một ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt 5% tại các tổ chức tín dụng khác đã giảm đáng kể, chỉ còn diễn ra tại các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nhằm tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
Theo nhà điều hành, tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực và đến nay đang dần được xử lý.
Sau khi luật được sửa đổi, bổ sung năm 2024 với quy định chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần, các tổ chức tín dụng đang tiếp tục xây dựng lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định.

Khó kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng vì cổ đông cố tình che giấu (Ảnh: Mạnh Quân).
Tuy nhiên, trong công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc kiểm soát sở hữu chéo rất khó khăn trong trường hợp cổ đông và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân hay tổ chức khác đứng tên số cổ phần sở hữu để lách quy định.
"Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Hành vi này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật", Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước không chủ động được trong việc tra cứu thông tin xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, cũng như độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành. "Trong đó hiện nay còn tồn tại tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại ngân hàng thương mại là doanh nghiệp Nhà nước với tỷ lệ sở hữu khá lớn, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc yêu cầu cổ đông này thoái vốn", Ngân hàng Nhà nước báo cáo.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn..., trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra theo kế hoạch, hoặc thanh tra đột xuất nếu cần thiết, trong đó quan tâm đến các nội dung về tỷ lệ sở hữu cổ phần; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng, cấp tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng lớn cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp)...
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nha-nuoc-kho-kiem-soat-so-huu-cheo-khi-co-dong-co-tinh-che-giau-20250507160204032.htm
Bình luận (0)