Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành giáo dục cần làm gì trước thách thức của AI?

Thí sinh sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/07/2025

Hiện tượng này cho thấy hoạt động giáo dục và đào tạo đang đối mặt với nhiều thách thức trong kỷ nguyên số, nhất là câu chuyện “cầm cân nảy mực” trong các kỳ kiểm tra đánh giá, kỳ thi...

AI mang đến nhiều cơ hội mới cho giáo dục và đào tạo trên tiến trình phát triển khi có thể giúp học sinh, sinh viên (HSSV) chủ động học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa quá trình học tập, phát triển tư duy phản biện... Tuy nhiên, quá trình đó cũng đặt ra những thách thức trong việc đánh giá năng lực của HSSV khi việc gian lận trở nên tinh vi hơn và nguy cơ cao xảy ra ở mọi quá trình học tập. HSSV có thể dùng AI để làm bài tập, viết luận, giải quyết vấn đề trong các kỳ thi trực tuyến… Điều này gây khó trong xác định năng lực thực sự của người học. Do đó, việc học và đánh giá học tập cần có sự dịch chuyển phù hợp để bắt nhịp AI, phát huy lợi thế của AI cũng như làm chủ AI để đánh giá đúng năng lực người học.

Tiết học môn Đạo đức có ứng dụng AI của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Buôn Ma Thuột).

Theo Nhà giáo Ưu tú Trần Đức Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (phường Tân An), bản chất AI là công cụ, là phương tiện và không có lỗi. Vấn đề gian lận nằm ở đạo đức và sự liêm chính của người học, thí sinh… Do đó, cần phải giáo dục đạo đức cho người dùng trước để sử dụng AI có trách nhiệm, bảo mật thông tin và liêm chính. Trong môi trường học đường, giáo dục đạo đức cần thực hiện ở tất cả các môn học, nội dung bài học; giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng AI (dưới phương diện công cụ, cộng sự) để học tập hiệu quả thông qua việc giải đáp thắc mắc, tìm kiếm phương pháp còn chủ thể vẫn là học sinh trực tiếp làm bài…

 

"Bản chất AI là công cụ, là phương tiện và không có lỗi. Vấn đề gian lận nằm ở đạo đức và sự liêm chính của người học, thí sinh".

    Nhà giáo Ưu tú Trần Đức Huyên

Để thực hiện mục tiêu đó, nhà trường phải đưa AI vào các hoạt động giáo dục nhằm phát huy năng lực học tập của học sinh, khả năng sáng tạo của giáo viên... Bản thân mỗi giáo viên khi giảng dạy phải có kiến thức về AI để hướng dẫn học sinh khai thác AI hiệu quả trong môn học của mình.

Thầy Mai Đình Bích, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Ea Tul) cho rằng, đưa AI vào trường học là xu thế tất yếu. Nhà trường đã khai thác AI trong quá trình điều hành, quản lý trong năm học 2024 - 2025; định hướng giáo viên chủ động tìm hiểu về các sản phẩm AI để sử dụng trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo bài giảng; sử dụng trực tiếp trong mỗi tiết học thông qua việc tạo dựng video minh họa các tình huống, thí nghiệm có trong sách giáo khoa…

Song hành với học tập là đánh giá năng lực người học một cách công bằng, minh bạch phù hợp với bối cảnh số. Nhà giáo Ưu tú Trần Đức Huyên cho biết thêm, nhà trường đã chuyển hướng từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình học tập nhiều năm nay. Giáo viên sẽ giao bài và hướng dẫn học sinh sử dụng AI để giải; sau đó kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh thông qua bài tập tương tự tại lớp hoặc các hình thức thảo luận có sự thay đổi câu hỏi nhưng giữ nguyên ý chính. Điều này sẽ bảo đảm học sinh phải thực sự hiểu bài mới trả lời được chứ không chỉ đơn thuần chép bài giải của AI.

Giờ tan trường của học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Ea Tul).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định, người sử dụng AI phải có trách nhiệm và làm chủ, dẫn dắt AI. Điều này có nghĩa là dù AI có tạo ra mô hình kinh tế, phân tích văn học hay viết bài luận hoàn hảo thì người dùng cũng phải đọc, hiểu và có khả năng chỉnh sửa, điều chỉnh lại nội dung đó. Cơ sở đào tạo phải đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá HSSV, trong đó tạo ra các yếu tố bất ngờ trong câu hỏi hoặc bài tập. Đó có thể là yêu cầu HSSV phân tích điểm mạnh, điểm yếu của một mô hình do AI tạo ra hoặc tìm cách giải khác. Việc đánh giá HSSV cũng cần gắn liền với hình thức phỏng vấn tư duy suy luận trực tiếp, bởi AI có thể giúp người học viết bài luận văn hoàn hảo nhưng quá trình báo cáo và trả lời câu hỏi của hội đồng đánh giá sẽ bộc lộ sự hiểu biết thực sự của người học; cùng với đó là tăng tỷ lệ điểm đánh giá trực tiếp trong cơ cấu điểm số để đánh giá năng lực người học chính xác hơn.

Thanh Hường

Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202507/nganh-giao-duc-can-lam-gi-truoc-thach-thuc-cua-ai-2de1279/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm