Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày sách và văn hóa đọc năm 2025: Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PLVN) - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 mang đến ba thông điệp chủ đạo: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Sự kiện năm nay không chỉ khẳng định vai trò then chốt của tri thức trong kỷ nguyên mới mà còn là lời hiệu triệu, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam20/04/2025




Giữ vững “gốc rễ” tri thức trong làn sóng công nghệ

Trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số, nhiều lĩnh vực truyền thống đã có sự chuyển mình đáng kể. Văn hóa đọc - một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng tri thức và bồi đắp tư duy, cũng không nằm ngoài xu thế đó. Những năm gần đây, việc ứng dụng AI và nền tảng học trực tuyến đã làm thay đổi sâu sắc cách con người tiếp cận với tri thức.

Ở Việt Nam, điều này được thể hiện rõ qua sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các công cụ hỗ trợ học tập thông minh, các ứng dụng tổng hợp và phân tích thông tin tức thời. Các nền tảng này mang đến nguồn kiến thức rộng lớn, được cập nhật liên tục, góp phần tối ưu hóa hiệu quả học tập và nghiên cứu. Song song với tiện ích đó là những băn khoăn về nguy cơ sách truyền thống dần bị “ngó lơ”. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: văn hóa đọc không hề suy giảm mà đang dần tái định hình, thích nghi và song hành cùng công nghệ.

Sách in, dù có phần chậm rãi hơn, vẫn giữ một vai trò đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển tư duy sâu, phản biện và hệ thống hóa kiến thức. Việc đọc sách giấy không chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin, mà còn là hành trình cảm xúc, là sự tương tác thầm lặng giữa người đọc với tư tưởng của tác giả. Đó là điều mà công nghệ, dù hiện đại đến đâu, vẫn khó có thể thay thế. Giữ vững nhịp điệu chậm rãi và sâu lắng ấy là cách để mỗi người tự trang bị cho mình năng lực phân tích, lựa chọn và đánh giá thông tin - điều ngày càng quan trọng trong thời đại mà thông tin được chia sẻ một cách vội vã và rút gọn.

Bên cạnh sách giấy, một xu hướng nổi bật khác cũng đang định hình lại văn hóa đọc - đó là sự phát triển của sách nói. Trong nhịp sống bận rộn hiện nay, sách nói đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhiều người. Với ưu điểm dễ tiếp cận, thuận tiện và có thể kết hợp trong lúc làm việc, di chuyển hay nghỉ ngơi, sách nói đang dần chiếm được tình cảm của công chúng ở mọi độ tuổi.


Thị trường sách nói trong nước đã chứng kiến sự phát triển cả về lượng và chất, với sự tham gia của nhiều nền tảng như Fonos, Voiz FM hay Bookas. Hình thức thể hiện cũng được đầu tư hơn, từ giọng đọc truyền cảm đến việc lồng ghép âm thanh, phân vai… mang lại trải nghiệm nghe sinh động, gần như một vở kịch phát thanh. Với nhiều người, đây không chỉ là giải pháp thay thế khi không có thời gian đọc sách, mà còn là một cách mới để tiếp cận và cảm thụ tác phẩm văn học, phi hư cấu hay sách phát triển bản thân.

Sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa đọc còn thể hiện ở việc các giọng đọc trí tuệ nhân tạo (AI voice) ngày càng được cải thiện. Dù chưa thể hoàn toàn thay thế người thật trong những thể loại đòi hỏi nhiều cảm xúc như tiểu thuyết, truyện ngắn hay kịch bản sân khấu, nhưng AI voice lại đặc biệt hiệu quả trong các nội dung mang tính thông tin cao như tài liệu khoa học, sách hướng dẫn hay sách kỹ năng. Việc ứng dụng AI giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí, từ đó mở rộng số lượng đầu sách nói và tăng khả năng tiếp cận cho người nghe.

Dẫu vậy, sách nói không nên và không thể thay thế hoàn toàn việc đọc sách truyền thống. Thay vào đó, sách nói nên được nhìn nhận như một hình thức bổ sung, giúp đa dạng hóa trải nghiệm đọc, hỗ trợ tiếp cận tri thức theo nhiều cách linh hoạt hơn. Người nghe có thể vừa làm việc nhà, vừa tiếp thu những tư tưởng giá trị; hoặc chỉ đơn giản là tìm được sự thư giãn tinh thần trong những câu chuyện được kể bằng lời. Không chỉ là một hình thức học tập, sách nói còn trở thành nơi lưu giữ ký ức văn hóa. Đối với những người xa quê hay sống ở nước ngoài, giọng đọc tiếng Việt từ những cuốn sách gắn liền với ký ức quê hương có thể là nguồn an ủi, kết nối và đồng hành trong những tháng ngày xa xứ.

Trong hành trình phát triển bền vững của văn hóa đọc, công nghệ không nên bị coi là đối thủ của sách, mà là một công cụ, một người bạn đồng hành nếu được sử dụng đúng cách.

Chuyển đổi số thúc đẩy văn hóa đọc sách thông minh


Từ bao đời nay, việc đọc sách đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Truyền thống tôn vinh sách và tri thức đã có lịch sử lâu đời, minh chứng là “Ngày hội đọc sách” xuất hiện cách đây hơn 80 năm tại Tây Ban Nha, một sự kiện ý nghĩa sau này lan tỏa khắp thế giới và được UNESCO chính thức công nhận là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới vào ngày 23 tháng 4 hàng năm.

Công nghệ không phải là đối thủ của sách, mà là công cụ đồng hành nếu được sử dụng đúng cách. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Công nghệ không phải là đối thủ của sách, mà là công cụ đồng hành nếu được sử dụng đúng cách. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Việt Nam cũng luôn đề cao vai trò của văn hóa đọc. Nhận thức được tầm quan trọng này, Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam), với mong muốn khơi dậy và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn của việc đọc đối với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả xã hội.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số đang định hình lại mọi mặt đời sống, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động đổi mới nhằm duy trì và phát triển văn hóa đọc một cách thông minh và hiệu quả. Trong những năm qua, để phát huy hơn nữa giá trị của sách, các nhà xuất bản, in, phát hành đã chủ động chuyển đổi, kết hợp hài hòa thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số. Một xu hướng đáng chú ý là chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử. Theo thống kê, hiện cả nước có 31 nhà xuất bản điện tử, chiếm 54% số nhà xuất bản, 27 cơ sở phát hành điện tử; với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói và đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Nếu như năm 2015, cả nước mới chỉ có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì tới năm 2023, toàn ngành có tới 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản.

Một số nhà xuất bản cũng đã liên kết với các công ty công nghệ để xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại để áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, phát hành. Cùng với đó, tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh linh hoạt tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội… Các ứng dụng đọc sách như Waka và Fonos đã sử dụng công nghệ AI để gợi ý sách phù hợp với sở thích cá nhân, phân tích hành vi đọc, giúp hàng triệu người dùng tối ưu hóa thời gian và nâng cao hiệu quả đọc sách.


Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi số để khuyến khích cộng đồng đọc sách. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 đặc biệt nhấn mạnh các thông điệp “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của đất nước, các ngành, các địa phương; phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng; xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương đối với việc phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh các hoạt động truyền thống như triển lãm, kể chuyện theo sách, tọa đàm, tôn vinh tác giả và độc giả tiêu biểu, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam khuyến khích đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ trong lan tỏa văn hóa đọc. Các buổi hội thảo về xu hướng đọc sách điện tử, sách âm thanh, sách tương tác... được tổ chức rộng khắp. Nhiều thư viện, nhà xuất bản đã sử dụng AI, thực tế ảo và nền tảng số để tổ chức hội sách trực tuyến, hướng dẫn kỹ năng đọc, giới thiệu sách mới và xây dựng cộng đồng đọc sách online trên các nền tảng như Zoom, Skype, Google Meet. Những sáng kiến này giúp xóa bỏ rào cản địa lý, mở rộng phạm vi tương tác, qua đó góp phần phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đỗ Trang

Nguồn: https://baophapluat.vn/ngay-sach-va-van-hoa-doc-nam-2025-cung-sach-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post545857.html


Chủ đề: triển lãm sách

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm