Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Dũng bên tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật của mình. Ảnh: Vân Anh
Hành trình đưa võ Nhất Nam về cội nguồn...
Theo võ sư Trần Văn Dũng, anh biết đến võ Nhất Nam khi còn là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Lúc đó, chàng trai trẻ tìm đến bộ môn này chỉ với mong muốn rèn luyện sức khỏe. Thế nhưng, càng tập luyện, anh càng bị cuốn hút sâu hơn. Nhất Nam không ồn ào, không thiên về sức mạnh cơ bắp, mà nổi bật bởi những thế võ mau lẹ, linh hoạt, mềm trong cứng, cương trong nhu, như mang theo một triết lý sống riêng biệt. Với người trẻ vốn mang nhiều khát khao và trăn trở như anh, môn võ ấy không chỉ rèn thân, mà còn gợi mở một lối sống mang tính ôn hòa, thấu hiểu.
Bước ngoặt đến khi anh được võ sư Ngô Mạnh Hùng, một trong những người có công lớn phát triển Nhất Nam, trực tiếp truyền dạy và giảng giải về lịch sử, triết lý của môn võ này. Những buổi trò chuyện ấy không chỉ giúp anh luyện võ, mà còn “khơi thông ngọn nguồn”, như lời anh từng chia sẻ. Và rồi, khi biết Nhất Nam có cội nguồn từ chính quê hương Thanh Hóa, nơi mình sinh ra, anh khát khao được mang lại cho quê hương một phần tinh hoa từng bị lãng quên.
Năm 2012, anh thành lập câu lạc bộ (CLB) võ Nhất Nam đầu tiên tại Thanh Hóa. Anh vừa dạy, vừa đi đến từng trường, khu dân cư để giới thiệu, biểu diễn, chiêu sinh. Những buổi tập đầu tiên chỉ vài ba người, nhưng anh không nản, bởi anh tin rằng khi người học hiểu được tinh thần của Nhất Nam, họ sẽ ở lại. Và quả thực, từ vài ba người ban đầu, số môn sinh đã tăng lên nhanh chóng.
Với phương châm “dạy võ là dạy làm người”, anh kiên trì xây dựng môi trường luyện tập kỷ cương, tôn trọng và gắn bó như một gia đình. Nhiều học viên sau một thời gian đã trở thành võ sư, mở lớp ở các địa phương khác, góp phần mở rộng cộng đồng Nhất Nam ở xứ Thanh. Đến nay, sau gần 15 năm, võ Nhất Nam không chỉ trở lại với quê hương mà còn thực sự bén rễ, lan tỏa. Hàng nghìn người đã trở thành môn sinh, nhiều CLB được duy trì thường xuyên tại các trường học như Trường Đại học Hồng Đức, Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa..., nhiều trường tiểu học, THCS tại Thanh Hóa đã đưa Nhất Nam vào nội dung học tập. Đến nay, anh vẫn thường xuyên cùng học trò đi biểu diễn tại các lễ hội, chương trình nghệ thuật, tiếp tục lan tỏa tinh thần Nhất Nam đến với nhiều người hơn nữa.
...đến một NNƯT lĩnh vực điêu khắc đá
Điêu khắc đá đến với anh Dũng như một sợi dây vô hình, nối từ võ học sang nghệ thuật. Chính giáo sư, võ sư... Ngô Xuân Bính (người sau này trở thành thầy anh) đã truyền cảm hứng, khơi dậy trong anh tình yêu với đá, một chất liệu thô cứng nhưng mang trong mình khả năng biểu đạt kỳ diệu.
Anh Dũng sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chế tác đá mỹ nghệ tại phường Đông Quang, tỉnh Thanh Hóa. Trên con đường trưởng thành, với lựa chọn riêng, anh không nghĩ rằng mình sẽ theo nghề “cha truyền con nối”, nhưng rồi sau khi bén duyên sâu sắc với võ học, được khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật từ thầy Ngô Xuân Bính, anh quyết định quay trở lại với nghề đá, không chỉ để nối nghiệp cha ông, mà để làm mới nghề bằng một tinh thần khác: nghệ thuật hóa đá thủ công truyền thống.
Ban đầu anh chỉ chế tác những hình khối đơn giản để thể hiện các thế võ, dáng ngồi thiền, đường quyền. Nhưng rồi, qua từng vết đục, nét tạc anh khát khao được đi xa hơn trên hành trình nghệ thuật. Đồng thời, được sự chỉ dạy từ thầy Ngô Xuân Bính, anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về điêu khắc đá nghệ thuật.
Các tác phẩm của anh không cầu kỳ, kiểu cách mà thiên về biểu cảm nội tâm. Anh lựa chọn chủ đề gần gũi: tình mẫu tử, tình cha con, gia đình... Đồng thời, anh còn thể hiện nhiều tác phẩm xoay quanh võ học. Các thế đứng, thủ pháp, ánh nhìn của người luyện võ được anh khắc họa sinh động, vừa mạnh mẽ, vừa uy nghiêm, tĩnh lặng. Ngoài ra, anh còn chuyển thể một số tác phẩm của thầy Bính, được giới chuyên môn đánh giá cao. Anh Dũng cho biết: “Điêu khắc đá giống như luyện võ, phải kiên nhẫn, phải thở đúng, dùng lực vừa đủ, nếu nóng vội sẽ gãy, nếu lơ là sẽ hỏng”. Chính sự kết nối giữa hai lĩnh vực này đã giúp anh định hình được phong cách nghệ thuật của mình, tạo nên những tác phẩm vừa mang vẻ đẹp hình thể, vừa ẩn chứa chiều sâu triết lý.
Hiện tại, anh Dũng đang nỗ lực để mở triển lãm cá nhân. Mong muốn triển lãm không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày tác phẩm, mà còn là không gian để giao lưu, chia sẻ giữa nghệ nhân với công chúng, giữa người làm nghệ thuật với người yêu văn hóa Việt.
Với những đóng góp bền bỉ cho nghệ thuật truyền thống, anh đã được phong tặng NNƯT. Đây là phần thưởng xứng đáng cho hành trình sáng tạo thầm lặng, nhưng giàu chất lượng và cảm xúc.
Ở tuổi 38, NNƯT Trần Văn Dũng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong hành trình lan tỏa tinh thần võ Nhất Nam sâu rộng hơn tại Thanh Hóa và các vùng lân cận, đồng thời sáng tạo thêm nhiều tác phẩm điêu khắc đá mang giá trị nghệ thuật và chiều sâu văn hóa. Và dù là trên sàn tập hay trong xưởng đá, anh vẫn kiên trì theo đuổi con đường của mình bằng sự tận tâm và bền bỉ. Với anh, võ học và nghệ thuật không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm - trách nhiệm giữ gìn, thổi hồn và làm sống dậy những giá trị Việt bằng chính đôi tay, trái tim và niềm tin vào văn hóa dân tộc.
Vân Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguoi-gin-giu-va-lan-toa-nhung-gia-tri-van-hoa-viet-254621.htm
Bình luận (0)