Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhà sàn Bác Hồ ở vùng Tây Bắc

Thực hiện chủ trương xây dựng các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động trong phạm vi cả nước, năm 1982, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã phê duyệt phương án xây dựng công trình nhà sàn, vườn cây, ao cá Bác Hồ tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tại địa phương mong muốn có một nơi để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân16/05/2025

Để có được kiến trúc của nhà sàn, Ban Quản lý dự án đã cử cán bộ nghiệp vụ trực tiếp đến nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội để tham quan và học cách thiết kế. Nguyên vật liệu dùng để xây dựng nhà sàn cũng được huy động trong nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân các xã lân cận đóng góp nhiều loại gỗ quý. Với phương châm “ai có công góp công, ai có của góp của” cùng với tấm lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn, ngày 20/7/1982 công trình được khởi công. Sau 13 tháng, với tinh thần làm việc không mệt mỏi, nhà sàn Bác Hồ đã được hoàn tất.

Ngày 15/9/1983, đồng chí Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Bác Hồ đã tới thăm và khen ngợi nhân dân huyện Văn Chấn làm nhà sàn Bác Hồ “rất tốt”. Năm 1985, Bảo tàng Hồ Chí Minh cử hai đồng chí cán bộ nghiệp vụ lên thiết kế nội thất nhà sàn Bác Hồ; đồng thời gửi tặng một bức tượng Bác Hồ bằng thạch nhũ, bộ quần áo lụa, đôi dép cao-su, chiếc mũ cát, chiếc gậy ba-toong của Bác được chế tác từ nguyên mẫu; cấp cho nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 40 bức ảnh tư liệu về Bác Hồ để trưng bày tuyên truyền. Từ năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục cung cấp nhiều trang thiết bị, tranh ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác Hồ cho Nhà tưởng niệm Bác phục vụ cho công tác tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ao cá Bác Hồ nằm trong khuôn viên có diện tích 2.200 m2, được thiết kế và xây dựng theo hình bản đồ địa giới huyện Văn Chấn, ghi dấu sự đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện vào việc xây dựng công trình. Ao nuôi nhiều loại cá như: rô phi, chép, trắm cỏ… Không chỉ làm đẹp cảnh quan, Ao cá Bác Hồ còn góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi cá trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc.

Nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890- 19/5/2014), lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã thăm và tặng 124 con cá chép lấy từ Ao cá Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch và một số phương tiện, thiết bị, tư liệu, hiện vật để phục vụ cho công tác tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thị xã dẫn chúng tôi tham quan vườn và giới thiệu: Với diện tích 2,15 ha, Khu tưởng niệm bao gồm các hạng mục: Nhà sàn Bác Hồ, nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trưng bày hiện vật dân tộc, Ao cá Bác Hồ, vườn cây ăn quả và một số công trình phụ trợ khác. Nhà sàn được làm bằng các loại gỗ quý của núi rừng Tây Bắc. Các hiện vật trưng bày được lưu trữ tốt. Người dân và du khách đến dâng hương, tham quan sẽ có hướng dẫn viên và nước uống miễn phí.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ gần 1.000 ảnh tư liệu, 10 hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: bộ quần áo ka-ki; áo, quần, mũ, kính, giày gia đình Luật sư Loseby chuẩn bị cho Nguyễn Ái Quốc cải trang để rời khỏi Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 1/1933; chiếc máy chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945); chiếc mũ cát, chiếc gậy ba-toong, đôi dép cao su; bộ quần áo lụa; cuốn “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) - tập thơ chữ Hán được Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị Tưởng Giới Thạch bắt giam tại các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc).

Bác Phạm Xuân Hiểu, 79 tuổi, cán bộ hưu trí trú tại Tổ 5, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Ngày trước, đường về Hà Nội rất khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện về Thủ đô vào Lăng viếng Bác Hồ. Đồng bào Thái, Mường, Khơ Mú, H’Mông... ở vùng Tây Bắc mong muốn có một khu tưởng niệm để để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại địa phương. Mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Khu tưởng niệm giờ trở thành nơi giáo dục truyền thống thế hệ trẻ. Vào các dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh, dịp lễ trọng đại, 100% số chi ủy, đảng ủy trong thị xã đều đến dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ báo công với Người.

Việc gìn giữ, phát huy giá trị các tư liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống quê hương là một việc làm có ý nghĩa lớn lao và vô cùng cần thiết. Khu tưởng niệm tập trung nghiên cứu lựa chọn các đề tài, tổ chức các buổi triển lãm tại chỗ và lưu động đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân đến xem.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ là một trong 14 chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, một công trình văn hóa mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn của nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

Nguồn: https://nhandan.vn/nha-san-bac-ho-o-vung-tay-bac-post880279.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm