Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả

(Chinhphu.vn) – Thuốc, sữa, thực phẩm chức năng là những mặt hàng thiết yếu, được sử dụng thường xuyên trong mỗi gia đình. Lợi dụng nhu cầu này của người dân, các đối tượng đã sản xuất, kinh doanh thuốc, sữa, thực phẩm giả để trục lợi hàng trăm tỷ đồng.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ10/05/2025

Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả- Ảnh 1.

TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: VGP/TH

Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là những mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày và phòng, chữa bệnh của người dân. Đó là thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả… Dù nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm quản lý, song thị trường vẫn diễn biến phức tạp.

Báo điện tử Chính phủ thực hiện loạt bài viết về nguyên nhân, cách thức cũng như thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm khi sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời khẳng định trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương phải tập trung phối hợp triển khai đồng bộ, nghiêm túc nhằm ngăn chặn triệt để thực trạng này, đảm bảo an toàn cho người dân.

Thế nào là thuốc, sữa, thực phẩm giả?

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã liên tiếp triệt phá những đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, tại TPHCM, Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ…

Điều khiến nhiều người dân lo lắng và băn khoăn hiện nay là làm thế nào để phân biệt được hàng giả, hàng thật, vì đây là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng lớn mỗi ngày trong các gia đình. Thậm chí, thuốc còn là mặt hàng không thể dừng sử dụng khi có bệnh.

Trao đổi với phóng viên, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viên Hữu nghị Việt Đức – một bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối của cả nước chia sẻ, hiện nay có rất nhiều hình thức mà các đối tượng làm giả thuốc, thực phẩm chức năng hay sữa.

Trước tiên, đó là hàng nhái, tức là các đối tượng làm giả hàng của các sản phẩm chính hãng. Nhìn bề ngoài, hàng giả trông gần giống với hàng thật chính gốc, nhưng thường được làm từ các chất liệu khác, có chất lượng thấp.

Thứ hai là chất lượng của sản phẩm mà đối tượng đưa ra thị trường không đúng với bản đăng ký với cơ quan nhà nước, có thể không đủ hàm lượng hoặc thiếu hoạt chất, thậm chí thay thế cả hoạt chất khác, ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng.

"Nếu hàng hoá là những vật dụng thông thường như cái áo, cái mũ, cái bút… khi mua phải hàng giả, người dùng chỉ bị mất tiền, không ảnh hưởng đến cơ thể con người. Tuy nhiên, với hàng giả là sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, người dân không chỉ mất tiền mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người dùng", TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh.

Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả- Ảnh 2.

Bác sĩ cũng không thể phân biệt được thuốc giả - thuốc thật - Ảnh: VGP/TH

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức lấy dẫn chứng cụ thể, nếu một bệnh nhân bị nhiễm trùng được kê đơn mua thuốc kháng chống nhiễm khuẩn, nhưng họ mua phải thuốc giả, không có hoạt chất kháng sinh hoặc không đủ hàm lượng, mặc dù sử dụng thuốc nhưng vết nhiễm trùng của người bệnh không được kiểm soát, tiến triển nặng, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

Ngay cả bác sĩ cũng không thể phân biệt được thuốc giả hay thuốc thật bằng mắt thường. Họ chỉ biết thuốc hoặc hoạt chất mà họ kê cho người bệnh có tác dụng điều trị bệnh gì, điều trị như thế nào. Với người dân thì lại càng khó phân biệt thuốc giả, thuốc thật. Họ mua thuốc chỉ dựa vào niềm tin là chính.

"Chúng tôi cũng không thể phân biệt được thuốc giả hay thật bằng mắt thường. Chỉ mang đi xét nghiệm thì mới biết được thật hay giả. Thậm chí thuốc giả hiện nay rất tinh vi, có thể thuốc không đủ hàm lượng, có thể có chất độc hại", ông Dương Đức Hùng khẳng định.

Liên quan tới thực phẩm giả, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo định nghĩa hàng giả, thực phẩm giả có thể tồn tại dưới 2 dạng, gồm: thực phẩm có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng như công bố hoặc đăng ký; có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu theo quy định đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thực phẩm có nhãn hoặc bao bì sản phẩm ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối sản phẩm; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Ngày 10/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng) theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.

Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại và khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả là sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh. Đây là những hành vi trục lợi từ niềm tin của người tiêu dùng trong một thời gian dài, bất chấp quy định pháp luật và sức khỏe người dân, trong đó có cả trẻ nhỏ và người bệnh.

Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả- Ảnh 3.

Nguy cơ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm chức năng giả len lỏi vào hệ thống bệnh viện là hoàn toàn có thể - Ảnh: VGP/TH

 Ai cũng có thể là nạn nhân của hàng giả

Đứng ở góc độ vừa là đơn vị "cung ứng", vừa là nơi "tiêu thụ" thuốc, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguy cơ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm chức năng giả len lỏi vào hệ thống bệnh viện là hoàn toàn có thể.

Trước thực tế ngày càng nhiều vụ buôn bán thuốc, sữa và thực phẩm chức năng giả bị phát hiện với thủ đoạn tinh vi, Bệnh viện này đã chủ động rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và nhà thuốc nội viện để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải không có giá trị nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng có thể khiến người bệnh vừa gánh rủi ro, vừa tốn kém không cần thiết.

Thực tế, sữa giả cũng đã "len lỏi" vào các bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn và đã tới tay nhiều người bệnh sử dụng. Ngay sau khi có thông tin, lãnh đạo các bệnh viện này đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng và thu hồi các sản phẩm giả, trả lại đơn vị cung ứng.

Nhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả- Ảnh 4.

Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá

Đồng thời, liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa giả, khuyến cáo dừng sử dụng và cam kết đồng hành cùng người bệnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, tình trạng thực phẩm giả và hàng hóa giả nói chung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo một số tài liệu, việc sản xuất thực phẩm giả gây thiệt hại cho cộng đồng châu Âu hàng chục tỷ Euro mỗi năm. Các chuyên gia độc lập cũng ước tính, ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do thực phẩm giả.

"Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố tình làm sai, sản xuất hàng giả vì lợi nhuận, bất chấp đạo đức kinh doanh", bà Nga nhấn mạnh.

Để ngăn chặn thực trạng này, cần phải có giải pháp tổng thể nhằm triệt phá triệt để đường dây mua bán, sản xuất và tiêu thụ hàng giả. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan chức năng, phải phối hợp và phải coi là việc của mình để hành động đến cùng.

"Mỗi người dân không nên thờ ơ vì bất kỳ ai nào cũng có thể mua phải hàng giả. Người dân cũng phải cùng tham gia giám sát và báo cơ quan chức năng khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu liên quan hàng giả. Chúng ta phải tạo 'bầu không khí sạch chung', chứ không chỉ 'đeo khẩu trang' cho riêng mình", TS Dương Đức Hùng ví von.

Thuý Hà


Nguồn: https://baochinhphu.vn/nhan-dien-thuoc-sua-thuc-pham-gia-102250508202557151.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm