(QBĐT) - Những ngày này, nắng như đổ lửa lên từng mái làng, con phố. Ai ai cũng cảm nhận được sự oi bức, ngột ngạt của thời tiết. Từ sáng sớm, ông mặt trời đã tỏa ánh nắng gay gắt bao phủ khắp không gian. Đến lúc chiều tàn, khi những vạt nắng đã lịm tắt, cái nóng vẫn không chịu buông tha con người. Chỉ cần bước chân ra đường, đi đến đâu cũng vô tình chợt nghe những tiếng than ngắn thở dài. Sự khắc nghiệt của thời tiết in hằn lên từng khuôn mặt bơ phờ, hốc hác.
|
Chẳng hề nói quá khi gọi nắng là “đặc sản miền Trung”. Từ những ngày đầu tháng tư, nắng đã vươn mình trải dài khắp mọi nơi. Nắng chạy lên rừng. Nắng đi ra biển...
Có lẽ, nắng đẹp nhất là vào độ tháng giêng, bởi thế mới có những rung cảm thật tinh tế về nắng trong thơ của Nguyễn Hữu Quý “Tháng giêng tôi nhớ dịu dàng-Sầu đông chưa tím, nắng còn đang non”. Nắng đầu xuân không gay gắt, khó chịu mà ấm áp, ngọt ngào như thiếu nữ đôi mươi. Cùng với chút se lạnh của đất trời, nắng nhen thêm niềm tin, hy vọng cho con người khi bước qua những ngày đông rét muốt, ẩm ê. Cứ hình dung thử xem, mùa xuân sẽ như thế nào nếu thiếu ánh nắng ve vuốt, chiếu soi cho muôn loài tươi xanh, rực rỡ sắc màu.
Thế nhưng, đúng như quy luật của vũ trụ, cái gì “quá” cũng không tốt. Nắng vẫn có những sắc thái làm cho con người cảm thấy kinh hoàng. Vào những ngày hè, nắng không còn “dịu dàng” nữa mà như một bà già khó tính. Nó tỏa ra sức nóng hừng hực như muốn thách thức khả năng thích nghi, chịu đựng của muôn loài. Cây cối, cảnh vật trở nên xơ xác, héo hon dưới sự "bốc hỏa" của mặt đất. Sinh vật đã thế, con người dường như cũng ngơ ngẩn và khô kiệt nguồn năng lượng. Chỉ cần bước chân ra đường là cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết. Cái nắng bỏng rát phả vào mặt làm cho người ta liên tưởng như đang ngồi bên bếp lửa. Thay vì chạy xe lâu giữa đường hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, nhiều người chọn cách ở nhà, đến nơi làm việc để trốn nóng. Điều hòa, quạt mát được sử dụng với công suất tối đa để làm dịu không khí.
Vào những ngày oi bức, gia đình tôi thường lấy lá mồng năm pha nước để uống. Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh lá mồng năm có tác dụng chữa bệnh nhưng cứ ngẫm về hương vị của nó tôi lại thấy mọi nhận định và suy luận đều có cơ sở. Lá mồng năm là lá được cắt vào ngày rằm tháng 5 hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ. Nghe bảo, các loại lá cây được cắt vào giờ Ngọ sẽ tốt hơn các giờ khác trong ngày, nên năm nào cũng thế, cứ nhìn đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa là cả nhà tôi tranh thủ đi tìm các loại lá. Sau khi cắt các loại lá được trồng và tự mọc trong vườn như: Chè xanh, bi bi, tía tô… ba tôi lại chở mẹ lên bãi đồi sau nhà để cắt thêm một ít cây dược liệu. Các loài cây, lá cắt vào ngày mồng năm được mẹ tôi dùng dao phay để chặt thành từng khúc nhỏ và phơi khô.
Khi phơi được nắng, lá mồng năm có mùi thơm đặc trưng thanh khiết và dịu nhẹ của núi rừng. Cứ mỗi sáng mùa hè, sau khi nấu đồ ăn sáng cho cả nhà xong, tôi lại bốc một nắm lá mồng năm rửa sạch, cho vào bình, tráng qua và đổ nước sôi vào. Chờ chừng 10 đến 15 phút rót nước ra ly là tôi đã có một ly nước lá ngon lành, đậm đà hương vị thanh tao của núi rừng. Những ngày nắng nóng mà quên pha nước lá mồng 5 thì y rằng cả ngày đó uống bao nhiêu ly nước lọc cũng cảm thấy nhạt miệng. Người Lệ Thủy quê tôi hay nói nôm na là “chưa đã khát”; nghĩa là trời nóng quá nên dù uống nhiều nước rồi mà vẫn còn chưa hết cơn khát nước. Và dường như, cứ mỗi dịp rằm tháng 5 là nhà nào cũng tranh thủ đi cắt lá mồng 5 về phơi khô và cất trữ để dùng dần.
Mấy ngày nay, nắng “tung tăng” khắp nơi. Mặt trời như quả cầu lửa tỏa hơi nóng xuống mặt đất. Nhà tôi vẫn nấu canh bí đao và lá mồng 5 để giải nhiệt. Hè oi bức là vậy nhưng người dân quê tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết. Nguồn năng lượng tỏa ra từ trên những cánh đồng và mấy ngôi nhà đang lợp ngói. Nhìn các cô, bác nông dân và những người thợ xây đang “đắm mình” dưới cái nắng “thiêu da cháy thịt” để hoàn thành công việc mà tôi thấy yêu quê mình biết bao.
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/nhung-ngay-he-ruc-lua-2226431/
Bình luận (0)