Qua sưu tầm, tập hợp chưa đầy đủ, có hàng trăm bài thơ của các tác giả Bắc Kạn viết về Bác Hồ kính yêu. Những tác giả nổi bật đó là: Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Nhà văn Nông Minh Châu, Nhà văn Nông Viết Toại, Nhà thơ Triệu Kim Văn, Nhà thơ Dương Khâu Luông.
Cố Nhà thơ Nông Quốc Chấn có một loạt bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu, tiêu biểu là các bài “Bộ đội ông Cụ”, “Bài thơ Pác Bó”, “Mong Bác”, “Nghe Bác Hồ đọc thơ”... Bài thơ “Bộ đội Ông Cụ” là tiếng nói, tấm lòng chân thật và mộc mạc của người nghệ sĩ miền núi mới đi theo cách mạng. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu được thể hiện trong bài thơ thật giản dị, mộc mạc, như lời nói của đồng bào miền núi:
“...Lại có Cụ Già đi chân đất
Mặc bộ quần áo Nùng,
Tay cầm cái gậy mây rừng,
Miệng ngậm một điếu can không khói,
Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,
Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên...
Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón
Dân chúng rỉ tai nhau: Bộ đội gì toàn những người lạ lạ?
Có lẽ đây là người "Cốc trỏ"… Khi ăn cơm chiều, Bộ đội đếm: một, hai... ngồi trật tự.
Cụ đi từng bàn xem bát đũa.
Cho thổi còi, rồi Cụ ăn sau.
Mọi người rủ nhau
Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ.
Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,
Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu… Cụ nói, dân nghe rõ từng câu
"Muốn cách mệnh thành công mau!
Ta phải đoàn kết như bó đũa !”…
Bài thơ “Trúc Pác Bó” của cố Nhà văn – Nhà thơ Nông Minh Châu là tiếng lòng của đồng bào Việt Bắc với Bác Hồ kính yêu. Năm 1961, Bác Hồ trở lại Pác Bó, Bác đã trồng ở đầu nguồn suối Lênin một khóm trúc, nay đã trở thành rừng. Bác đã đi xa rồi nhưng rừng trúc Bác trồng vẫn mãi vươn xanh như tình Bác sáng bản làng ngàn năm:
“Bác đi xa mà trúc vẫn còn đó
Mỗi năm trồi lên nhiều măng đỏ
Dù gặp nắng, mưa hay nhiều giông tố
Trúc vẫn dẻo xanh trong những dóng hồng… Bác đi rồi để lại những rừng trúc
Cũng như Bác để lại cho Việt Bắc
Bao tên làng, tên núi, tên sông,
Đều là tên chiến thắng lừng danh”…
“Bân đin Bác Hồ” (Trời đất Bác Hồ) là bài thơ song ngữ Tày – Việt của Nhà văn – Nhà thơ Nông Viết Toại lại có cách nhìn khác, rất sâu sắc khi viết về Bác Hồ kính yêu. Là người được sống, chứng kiến cảnh đời tối tăm của người dân nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, bài thơ đã nêu bật lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu.
“Có Bác mới có trời
Có Người mới có đất”.
Nhờ có Người mà đất nước ta đã được độc lập, tự do, hạnh phúc: “Bảc mà thâng Pác Bó
Tha vằn ló khửn mà
Chắng chắc bân đin rà củng quảng
Đét khửn mà rủng choảng Ba Đình
Pjoom Bảc chắng mì đin đuổi pậu
Mì phạ slung Bảc tậu tẻo mà… Vằn nảy Bảc quá tha
Mẳc phạ phjét
Mẳc phạ dà
Boong lan chực bân phạ khau phja Bảc hâử.
(Dịch: Bác về Pác Bó/Con người và cây cỏ cũng vươn mình; /Biết có trời cao /Đàn chim đang mọc cánh; /Biết có đất rộng /Đoàn xe đang lắp bánh; /Bác về Hà Nội /Có ngày hội Ba Đình /Mới có trời xanh Tổ quốc /Có đất nước, quê hương /Có Bác mới có trời / Có Người mới có đất /Nay Bác đã mất rồi /Chúng con xin mãi mãi giữ lấy đất, trời của Bác để cho”).
Nhà thơ Triệu Kim Văn có “Chùm thơ Pác Bó”, “Về thăm Bác”, “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Bắc”. Bài thơ “Tiên” của tác giả thể hiện cách nhìn tinh tế, tình cảm sâu sắc của Nhà thơ người dân tộc Dao với Bác Hồ - vị lãnh tụ thiên tài, người Thầy vĩ đại, Nhà văn hóa lớn của dân tộc:
“Cổ tích xưa tiên giỏi thơ
Đọc thơ của Bác lại ngờ ông tiên
Tiên mà quê ở Kim Liên
Ra đi từ một mái tranh nghèo nàn… Không là tiên vẫn giỏi thơ
Hơn tiên dựng một cơ đồ Việt Nam”.
Bác Hồ kính yêu không những là ông “Tiên” giỏi thơ mà còn hơn cả ông Tiên vì đã xây dựng được cả cơ đồ một đất nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc!
Nhà thơ Dương Khâu Luông có chùm thơ ba bài, gồm: “Thăm nhà Bác”, “Sự giản dị của Bác” và bài thơ song ngữ Tày – Việt “Nà Tu chứ cằm Bác slắng” (Nà Tu nhớ lời Bác dạy). Vừa qua, Nhà thơ đã cho ra mắt tập truyện thơ thiếu nhi song ngữ Tày – Việt “Lẩn toẹn Bản Hon lặp Bác Hồ” (Kể chuyện Bản Hon đón Bác Hồ). Với lối viết giản dị, thể thơ 5 chữ dễ đọc, được minh họa bằng những bức tranh đẹp và sinh động về Bác Hồ và đoàn bộ đội Ông Cụ đi qua bản năm xưa, tác phẩm đã được các bạn thiếu nhi yêu thích, đón nhận.
“Bản Hon nghé bản eng
Dú tin liệp Pù Nam
Vằn nảy đảy chàu mì
Tàng luông quây quảng xoác… Tỉ tỏn Bảc chài kha
Khửn tàng pây tức slấc
Cháu nước lườn độc lập
Cần hâư đảy mà thâng
Hăn Bản Hon them điếp”
(Dịch: Bản Hon – ngôi bản nhỏ/ Dưới chân núi Pù Nam/ Giờ thành bản trù phú/ Cánh đồng xanh no ấm/ Dài rộng đường cái quan… Nơi xưa Bác dừng nghỉ/ Trên bước đường kháng chiến/ Giành tự do, độc lập/ Ngày hôm nay ai đến/ Càng yêu Bản Hon hơn”...
Nhớ Bác, viết về Bác Hồ kính yêu với tấm lòng thành kính, bên cạnh các Nhà văn, Nhà thơ còn có tác giả của nhiều dân tộc, nhiều lứa tuổi khác nhau ở Bắc Kạn. Đó là các tác giả: Văn Lợi, Hà Sĩ Thuyết, Hà Hữu Nghị, Triệu Hữu Định, Ma Phương Tân, Hoàng Thị Điềm, Quách Đăng Thơ, Đinh Hữu Hoan… Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các tác giả Tày, Nùng, Dao đặt lời cho làn điệu Then, Sli lượn như: Nông Trọng Quyết, Hà Đức Định, Ma Văn Vịnh, Lý Thị Nhạn, Đặng Quản Vượng, Triệu Đức Đoan, Vũ Văn Quỳnh, Dương Thuyết Cẩm, Triệu Sinh, Hoàng Cao… Lời ca, tiếng hát, điệu then này đang ngày ngày vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT&TH các tỉnh Việt Bắc, lan tỏa niềm tin yêu Bác tới muôn vạn con tim…
Là người tâm huyết, có công tìm tòi, sưu tập và biên soạn cuốn “Bắc Kạn những nơi Bác từng qua”, tác giả Văn Lợi còn có nhiều bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu, tiêu biểu là các bài: Pác Bó tháng ba; Về Làng Sen nhớ Bác; Qua Cáng Lò nhớ Bác; Bác tới bản Dao… “Giữa rừng nhớ Bác” là bài thơ đầy cảm động thể hiện tình cảm của đồng bào Việt Bắc khi nghe tin Bác mất:
“Hôm nay giữa núi rừng Việt Bắc
Nghe Bác Hồ đi gặp Các Mác với Lê Nin
Mây trắng vấn khăn tang trên đỉnh núi
Và nước mắt rơi trong mỗi trái tim người…”
Cố tác giả - Cựu chiến binh Hà Sĩ Thuyết trong tập thơ đầu tay và cũng là tập thơ cuối cùng của anh mang tên “Miền nhớ” đã có bốn bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu: Suối nguồn Pác Bó; Nguyên Tiêu nhớ Bác; Thăm nhà Bác; Trường Dục Thanh nhớ Bác. Bài thơ “Nguyên Tiêu nhớ Bác” là tiếng lòng và nỗi nhớ thiết tha của những người văn nghệ sĩ nơi núi rừng Việt Bắc với Bác Hồ kính yêu mỗi độ tết đến, xuân về:
“Nhớ xuân xưa giữa núi rừng Việt Bắc
Đêm Nguyên Tiêu Bác bàn bạc việc quân
Hòa quyện tâm hồn thơ lãnh tụ
Thuyền đầy bát ngát ánh trăng ngân…
Xuân lại về với núi rừng Việt Bắc
Ngàn cỏ hoa khoe sắc giữa nương đồi
Suối Lê Nin in bóng hình núi Mác
Rằm xuân lồng lộng ánh trăng soi…
Tác giả - Cựu chiến binh Hà Hữu Nghị đã có ba tập thơ được xuất bản, trong đó có tập thơ mang tên “Mùa xuân nhớ Bác” với nhiều bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu: Mùa xuân nhớ Bác; Tháng năm nhớ Bác; Bác Hồ chúc tết thương binh… Bài thơ “Có một người đi khắp thế gian” là sự cảm phục, tin yêu, kính trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu đã bôn ba khắp năm châu đi tìm đường cứu nước, suốt đời hy sinh vì nước vì dân:
“Công lao của Người
Như sông sâu biển lớn
Nhưng trên ngực Người không một tấm huân chương
Người chỉ cần tình thương cho nhân dân hết thảy
Gia đình của Người là Tổ quốc Việt Nam”…
Đã gần sáu thập kỷ Bác Hồ đi xa, nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người con đất Việt và hàng triệu triệu người tiến bộ trên toàn thế giới. Một bài viết ngắn không thể nào nói hết được tấm lòng, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân các dân tộc Bắc Kạn với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Và cũng không thể nào diễn tả nổi tình cảm, tình thương bao la của Bác với quê hương Bắc Kạn được thể hiện trong thơ, trong những câu ca… Xin được mượn hai câu thơ trong bài “Giữa rừng nhớ Bác” của tác giả Văn Lợi để làm lời kết cho bài viết ngắn này:
“Công ơn Bác phải nhờ muôn dòng suối kể
Phải bứt lá rừng đếm suốt ngàn năm”./.
Nguồn: https://baobackan.vn/nhung-van-tho-nho-bac-post70865.html
Bình luận (0)