BẮC NINH - Với bà con vùng vải, vải thiều không chỉ là loại trái cây ngon ngọt mà còn là “bảo bối” quý giá, gắn liền với tình yêu đất đai và công sức của bao thế hệ. Chính tình cảm ấy đã thôi thúc nhiều nhà vườn không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật canh tác, chú trọng từng khâu chăm sóc để nâng chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, trái vải luôn được thị trường đón nhận, bán với giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Mỗi mùa vụ, không ít hộ thu về lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng, thành quả ngọt ngào của sự cần cù, tâm huyết.
Trọng chất lượng
Những ngày này, vải thiều tại phường Phượng Sơn, tỉnh Bắc Ninh đang chín rộ. Tại vườn nhà anh Lê Văn Kiên, tổ dân phố Đồng Dao, những chùm vải đỏ ửng, căng mọng chen nhau trên tán lá xanh mướt khiến bất cứ ai ghé qua cũng phải trầm trồ. Khu vườn rộng 5 ha được gia đình anh Kiên gây dựng từ năm 1995, trở thành nguồn thu chính trong suốt gần ba thập kỷ. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2020, gia đình anh quyết định chuyển đổi phương thức canh tác, mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của cơ quan chuyên môn. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong từng khâu chăm sóc, sản phẩm vải thiều của gia đình anh luôn đạt chất lượng cao, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thu mua, xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Thu hoạch vải GlobalGAP tại thôn Chay, xã Lục Ngạn. |
Vụ vải năm nay, ước tính vườn sẽ cho khoảng 80 tấn quả. Đến thời điểm hiện tại, một nửa sản lượng đã được tiêu thụ ngay tại vườn, bán với giá trung bình loại vải đẹp 25 nghìn đồng/kg. Đối với những quả không đạt chuẩn về mẫu mã như vỏ không đều màu, gia đình anh bán cho doanh nghiệp chế biến thành vải cùi đông lạnh, một hướng đi giúp tận dụng tối đa giá trị sản phẩm. Chia sẻ về hành trình sản xuất theo GlobalGAP, anh Kiên cho biết: “Tuy vất vả hơn nhiều, phải tuân thủ nghiêm quy trình, ghi chép nhật ký chăm sóc từng ngày nhưng đổi lại là sự ổn định đầu ra, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm nay, gia đình tôi kỳ vọng thu về hơn một tỷ đồng”.
Không chỉ là một nhà vườn kiên trì với hướng sản xuất nông nghiệp sạch, hộ gia đình ông Lý Văn Trí ở thôn Chay, xã Lục Ngạn còn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều du khách mỗi mùa vải thiều chín. Với diện tích 2 ha, nhiều năm qua, gia đình ông bền bỉ áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cho ra những lứa quả đẹp, chất lượng cao, năng suất ổn định. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt với những đợt nắng hạn kéo dài từng khiến ông Trí lo lắng sẽ mất trắng vụ mùa, nhất là khi toàn bộ diện tích vườn đều nằm trên địa hình đồi cao.
Tuy nhiên, không đầu hàng khó khăn, ông chủ động tăng cường chăm sóc, đầu tư hệ thống tưới nước hợp lý, kết hợp bón phân đúng kỹ thuật để bảo đảm cây sinh trưởng tốt. Nhờ vậy, sau giai đoạn hạn gay gắt, vườn vải phục hồi nhanh, tỷ lệ đậu quả cao. Dự kiến mùa vụ năm nay, gia đình ông thu hoạch khoảng 30 tấn quả, giá bán luôn duy trì ở mức 15-25 nghìn đồng/kg. Vườn vải của ông Trí còn được các nhà sáng tạo nội dung lựa chọn làm bối cảnh phát trực tiếp giới thiệu và bán hàng trên nền tảng số. Nhờ hình ảnh vườn vải đẹp mắt và chất lượng cao, lượng tiêu thụ không ngừng tăng, giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng cả nước một cách nhanh chóng.
Mở rộng thị trường, tăng giá trị
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm nay toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha vải thiều. Trong đó, diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 16 nghìn ha. Nhờ chất lượng mẫu mã bảo đảm nên ngoài tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc sản phẩm đã vươn đến thị trường cao cấp như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, các nước EU, Trung Đông và nhiều thị trường khác. Qua thực tế, sản phẩm đã chiếm được tình cảm của người dân bản xứ. Trên thực tế, chất lượng vượt trội cùng mẫu mã đẹp đã giúp trái vải thiều Bắc Giang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng quốc tế.
Vùng vải GlobalGAP tại xã Phúc Hòa. |
Đại diện Công ty cổ phần Mova Plus tại Cộng hòa Séc thông tin, từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 200 tấn vải thiều sang thị trường châu Âu. Sản phẩm chủ yếu được phân phối qua hệ thống siêu thị lớn và liên tục “cháy hàng”, về đến đâu bán hết đến đó. Sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài cũng được thể hiện qua mức giá bán cao, dao động từ 350-400 nghìn đồng/kg (tại Đức). Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy chất lượng đã tạo nên giá trị, nông sản Việt nâng khả năng cạnh tranh, chinh phục thị trường khó tính do đi đúng hướng, kiên định với con đường nông nghiệp sạch và bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm nay toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha vải thiều. Trong đó, diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 16 nghìn ha. Nhờ chất lượng mẫu mã bảo đảm nên ngoài tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc sản phẩm đã vươn đến thị trường cao cấp như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, các nước EU, Trung Đông và nhiều thị trường khác. |
Thành công trong việc nâng cao giá trị vải thiều Bắc Giang hôm nay là kết quả của cả quá trình đồng bộ trong chỉ đạo và tổ chức sản xuất. Trong đó, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường là yếu tố then chốt. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, người nông dân cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, kiên định với hướng đi coi chất lượng nông sản là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững.
Ông Phan Văn Nết, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (xã Lục Ngạn) nói: “Hiện hợp tác xã có 15 thành viên cùng sản xuất vải trên diện tích 20 ha theo quy trình GlobalGAP. Ban đầu, không ít thành viên còn băn khoăn, ngại thay đổi phương pháp canh tác truyền thống. Nhưng nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, các thành viên đã tích cực chuyển đổi, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến”. Nhờ thay đổi tư duy và cách làm, vườn vải của hợp tác xã cho sản phẩm chất lượng cao, gia tăng giá trị rõ rệt. “Sản phẩm của chúng tôi hiện luôn được các đơn vị bao tiêu ưu tiên lựa chọn nhờ chất lượng ổn định, thương hiệu uy tín, giá bán cũng vì thế mà cao hơn so với mặt bằng chung” - ông Nết chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe, nông sản chất lượng cao không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đáp ứng xu hướng tất yếu đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng vải thiều là hướng đi đúng, cơ hội mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/nhung-vuon-vai-thieu-duoc-mua-gia-cao-postid421159.bbg
Bình luận (0)