Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025

NDO - Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu xét về hệ thống pháp lý, về cơ bản đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của tổ chức quốc tế về nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, việc xét hạng thị trường còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư cũng như là đánh giá thực tế....

Báo Nhân dânBáo Nhân dân15/05/2025

Báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cùng các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cho thấy, trong năm 2024, huy động vốn từ thị trường chứng khoán (bao gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu) tăng trưởng tích cực, với mức tăng 37,6% (năm 2023 chỉ tăng 12,93%). Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có mức tăng trưởng lớn nhất (25,9%) với tổng giá trị phát hành 443,5 nghìn tỷ đồng. Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam có trên 9 triệu tài khoản của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ trong năm 2025, nhưng với các biện pháp ứng phó kịp thời và quyết liệt của Chính phủ và cơ hội thu hút dòng tiền từ kỳ vọng FTSE Russell (FTSE Russell là một tổ chức độc lập có nhiệm vụ tạo ra các chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu. Các chỉ số do FTSE phát hành được sử dụng rộng rãi để đo lường hiệu suất của thị trường chứng khoán và các phân khúc cụ thể của nền kinh tế. FTSE Russell thuộc sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán London, Anh. FTSE Russell cũng là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới bao gồm: MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices) có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025, triển vọng thị trường chứng khoán trong trung, dài hạn vẫn tích cực.

Trong chỉ số thị trường cận biên (Frontier) do MSCI, FTSE phân loại, Việt Nam đứng Top 1 về tỷ trọng, tuy nhiên giá trị vốn hóa, thanh khoản, số lượng cổ phiếu từ lâu đã đáp ứng các tiêu chí của một thị trường mới nổi (Emerging), thậm chí còn xếp trên nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các thông điệp mạnh mẽ khi đặt ra yêu cầu thị trường chứng khoán phải được nâng hạng trong năm nay, đồng thời sớm triển khai các hành động cụ thể để 2025 sẽ là năm phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ. Điều này cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo ngành tài chính trong việc hiện thực hóa mục tiêu được đề cập tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 cũng như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 do Chính phủ ban hành ngay đầu năm 2025.

Ông Hà Duy Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính cũng đã triển khai hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách để đáp ứng tiêu chí về nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế.

Văn bản gần đây nhất là tháng 9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà không cần có đủ số tiền trong tài khoản tại thời điểm đó, từ đó khơi thông điểm nghẽn về yêu cầu ký quỹ khi đặt lệnh mua cổ phiếu mà các tổ chức định hạng đặc biệt quan tâm.

Không chỉ vậy, Thông tư này cũng bổ sung quy định công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh. Đây cũng là một tiêu chí mà tổ chức định hạng MSCI (MSCI là công ty có uy tín chuyên cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính có trụ sở tại New York, Mỹ. Công ty này công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam) đánh giá rằng thị trường Việt Nam cần cải thiện. Các quy định này có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 và được kỳ vọng sẽ là bước tiến quan trọng để thị trường chứng khoán được nâng hạng trong năm 2025.

Nếu xét về hệ thống pháp lý, cơ bản đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của tổ chức quốc tế về nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, việc xét hạng thị trường còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư cũng như là đánh giá thực tế. "Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục xử lý các vấn đề kỹ thuật cũng như triển khai các đối thoại, xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có đánh giá và trải nghiệm thực tế tích cực hơn, trên cơ sở đó hướng tới triển khai nâng hạng thị trường trong năm nay", ông Tùng cho biết thêm.

 Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025 ảnh 1

Kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9/2025.

Ngày 9/4/2025, FTSE Russell đã công bố kết quả đánh giá phân loại tạm thời các thị trường chứng khoán kỳ tháng 3/2025, theo đó Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi “Watch list” để được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Báo cáo đánh giá thị trường tháng 3/2025 lần này được cho là tích cực so với các báo cáo trước đây khi đã không đề cập đến 3 yếu tố cần xem xét trong báo cáo trước đó, bao gồm: quy tắc hoạt động từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) sau khi VSDC ban hành các quy định để hướng dẫn thực hiện các giải pháp NPF (giao dịch, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh).

Khả năng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi các doanh nghiệp đã bắt đầu công bố các báo cáo song ngữ theo lộ trình quy định tại Thông tư 68 và lộ trình rõ ràng về cách thực hiện các quy định mới sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra lộ trình cụ thể vào ngày 11/3/2025.

Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng BIDV và Ngân hàng ADB, có thể trong tháng 9/2025, FTSE Russell sẽ ra thông báo chính thức chấp thuận nâng hạng cho thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market).

Dự báo, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, sẽ thu hút lượng lớn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Cụ thể sẽ đón nhận tối thiểu 700 triệu–1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF/chủ động. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài thông thường sẽ mua ròng từ 3-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo và từ 4-5 tháng đối với MSCI (tuy nhiên còn phụ thuộc vào room ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết).

Tạo hiệu ứng đến các cam kết của cơ quan quản lý trong việc cải cách thị trường. Tạo cơ sở thuận lợi để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường. Có thể gia tăng dòng vốn FDI trong nước trong quá khứ khi MSCI nâng hạng thị trường đã giúp FDI tại Ấn Độ tăng +49% và Ai Cập tăng +63% trong vòng 1 năm và sẽ nâng cao khả năng quản trị nội bộ doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính nhận định: mục tiêu của chúng ta là đưa thị trường chứng khoán phát triển về chất, thực chất, ổn định, bền vững, một khi làm được tất cả những điều đó thì đương nhiên sẽ được nâng hạng.

"Tuy nhiên, việc nâng hạng chỉ là “điểm nút” ghi nhận trên quá trình phát triển bền vững của thị trường chứng khoán về chất và lượng. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức cá nhân chủ thể tham gia vào thị trường đó là phải xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán bền vững với chất lượng ngày càng cao. Đấy là mục tiêu cuối cùng chúng ta phải nỗ lực để đạt được", ông Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh những nỗ lực từ phía Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024 cũng đã xin ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 05/2014/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở, giám sát tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài (như xem xét cho phép tổ chức trung gian có uy tín xác nhận tư cách của nhà đầu tư).

Nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành trong năm 2025 sẽ là thay đổi quan trọng ở phía hệ thống Ngân hàng trong việc hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường mà Chính phủ đặt ra. Với những cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng một thị trường vốn phát triển bền vững, các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI sẽ được đáp ứng vào năm 2026, dự báo thị trường Việt Nam có nhiều khả năng sẽ chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 6/2027.

Nguồn: https://nhandan.vn/no-luc-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-vao-thang-92025-post879948.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm