Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kẹo khóm Tân Phước: Từ đặc sản địa phương đến sản phẩm OCOP

Nhắc đến huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang người ta nhớ ngay đến những cánh đồng khóm bạt ngàn trĩu quả. Khóm được xem là một trong những loại cây trồng mang lại “vị ngọt” cho vùng đất phèn khi giúp người dân nơi đây thoát nghèo, làm giàu. Ngày nay, người dân Tân Phước với sự cần cụ và sáng tạo đã làm nên kẹo khóm được nhiều nơi ưa chuộng.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang14/05/2025

Những ngày đầu cây khóm bén duyên trên vùng đất phèn chua Tân Phước lắm gian nan. Do đường xa, diện tích khóm ở Gò Quao lúc ấy chưa nhiều nên việc thu mua cây giống rất khó khăn. Khi cây khóm cho những mùa vụ bội thu trên đất nông trường thì nông dân Tân Phước vui mừng, phấn khởi trong lòng. Từ đó, cây khóm lấn sâu vào Đồng Tháp Mười, đến các xã Tân Hòa Đông, Thanh Hòa, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ...

Cơ sở sản xuất kẹo khóm Tân Phước có nhiều sản phẩm đa dạng từ khóm như: Kẹo khóm chua ngọt,  kẹo khóm gừng, kẹo khóm cay, bánh nhân khóm…
Cơ sở sản xuất kẹo khóm Tân Phước có nhiều sản phẩm đa dạng từ khóm như: Kẹo khóm chua ngọt, kẹo khóm gừng, kẹo khóm cay, bánh nhân khóm…

Cùng với quả trình xây dựng ô đê bao chống lũ và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng thì diện tích khóm liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2009, diện tích khóm ở Tân Phước là 11.236 ha và hiện nay là hơn 15.000 ha (tăng hơn 10.762 ha so với năm 1994), sản lượng đạt được hơn 250.000 tấn/năm (tăng gần 70.000 tấn so với năm 1994), đưa Tân Phước trở thành vùng nguyên liệu khóm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giờ đây, khóm Tân Phước còn được biết đến với loại mứt đặc trưng làm từ trái khóm, loại cây công nghiệp chủ lực của huyện. Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ bởi vị thơm ngọt đặc trưng, giá cả hợp lý mà còn do đây là sản phẩm sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho người sử dụng. Trước đây, khi đến mùa thu hoạch, thương lái chỉ mua khóm loại 1, loại 2; còn khóm nhỏ, không đủ tiêu chuẩn chiếm gần 1/3 sản lượng phải đem ra chợ bán, có khi bán không hết phải đổ bỏ. Người dân Tân Phước đã tận dụng nguồn nguyên liệu này để góp phần nâng cao giá trị và tạo thêm đầu ra cho trái khóm.

Hiện tại, huyện Tân Phước có hơn 60 hộ gia đình làm mứt khóm; trong đó, Cơ sở sản xuất kẹo khóm Tân Phước (xã Phước Lập) là một trong những cơ sở sản xuất mức khóm lớn trên địa bàn huyện. Cơ sở được thành lập vào năm 2017, ban đầu, cơ sở sản xuất kẹo khóm với tỷ lệ thủ công còn khá cao nên năng suất sản xuất chưa nhiều. Từ năm 2018, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc tự động như: Máy sên mứt, máy cắt kẹo, máy đóng gói tự động… Qua đó, các công đoạn sản xuất kẹo khóm được rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Kẹo khóm được đóng gói bằng máy tự động.
Kẹo khóm được đóng gói bằng máy tự động.

Theo anh Nguyễn Chí Thiện, quản lý Cơ sở sản xuất kẹo khóm Tân Phước, kẹo khóm tại đây được chế biến dù có một số công đoạn sử dụng máy móc nhưng các khâu quan trọng như: Gọt khóm, ép đậu phộng, mè đều được làm thủ công để có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, nguyên liệu khóm được chọn lọc kỹ càng từ trái tươi, đảm bảo độ ngọt tự nhiên và không sử dụng chất bảo quản. Dù nhiều khâu đã được tự động hóa, nhưng kẹo khóm tại cơ sở vẫn được sên trên lửa củi để đảm bảo hương vị được ngon nhất. Mỗi ngày, cơ sở có thể cung cấp từ 130 đến 160 kg mứt thành phẩm, tùy theo nhu cầu thị trường. Trung bình 1 năm, cơ sở có thể sản xuất từ 5 - 8 tấn, tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội...

Kẹo khóm khi thành phẩm có hương vị độc đáo với sự hòa trộn của vị chua chua ngọt ngọt của trái khóm, với vị beo béo của đậu phộng, mè rang, tất cả hòa quyện tạo nên hương vị đậm đà nhưng vẫn mang nét đặc trưng của vùng đất phèn Tân Phước. Bên cạnh kẹo khóm truyền thống, cơ sở còn sáng tạo cho ra lò nhiều sản phẩm bánh kẹo khác từ khóm như: Kẹo khóm gừng, kẹo khóm cay, bánh nhân khóm… được đóng gói đẹp mắt thu hút người tiêu dùng. Giá bán các sản phẩm dao động từ 110.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại, trong đó, có các dòng đóng gói 400g, 450g, 500g và 1 kg.

Đáng chú ý, sản phẩm của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao với các sản phẩm: Kẹo khóm chua ngọt, kẹo khóm gừng và kẹo khóm cay. Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực nâng cao chất lượng; đồng thời, là bước đệm quan trọng để đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Theo anh Nguyễn Chí Thiện, trong thời gian tới, cơ sở sẽ tập trung xây dựng sản phẩm sản phẩm kẹo khóm chua ngọt đạt chuẩn OCOP 4 sao, cũng như nghiên cứu chế biến bánh nhân khóm để mở rộng sản phẩm về cây khóm.

CAO THẮNG

 

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202505/keo-khom-tan-phuoc-tu-dac-san-dia-phuong-den-san-pham-ocop-1042463/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm