Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi hội tụ của lòng biết ơn

Có những điểm đến không đơn thuần là một địa danh, mà còn là một phần ký ức sâu thẳm và thiêng liêng của dân tộc. Khu di tích lịch sử Quốc gia 27- 7, nằm ở xã Đại Phúc, tỉnh Thái Nguyên, nơi khởi nguồn Ngày Thương binh - Liệt sĩ là một địa điểm như thế. Nơi đây đã và đang gìn giữ những trang sử vàng, nơi hội tụ của lòng biết ơn, của những giọt nước mắt, nén hương trầm và tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên19/07/2025

Khu di tích nhìn từ trên cao.
Khu di tích lịc sử Quốc gia 27-7 nhìn từ trên cao.

Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 80 năm, vào thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, giữa bộn bề công việc và bối cảnh cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp đang rất cam go, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian, quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác đền ơn đáp nghĩa. Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh.

Chiều 27/7/1947, tại cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (nay là tổ dân phố Bàn Cờ, xã Đại Phúc) cuộc mít tinh kỷ niệm “Ngày Thương binh” lần thứ nhất được tổ chức. 300 đại biểu Trung ương Đảng, các cơ quan lãnh đạo khu, cơ quan kháng chiến huyện và đông đảo thương binh, bộ đội đã được nghe công bố thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Nhiều năm sau, tại chính gốc đa già ấy, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 ra đời, trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của nhiều thế hệ.

Thường xuyên đến thắp hương tri ân đồng đội và các Anh hùng liệt sĩ tại đây, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường ở tổ dân phố Sơn Tập 3, xã Đại Phúc bộc bạch: Tôi tự hào khi quê hương mình là nơi khởi nguồn Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc. Càng tự hào hơn khi thấy lớp trẻ vẫn nhớ, trân trọng những giá trị thiêng liêng của dân tộc.

Không chỉ là nơi tưởng niệm, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 còn là điểm đến tâm linh và giáo dục truyền thống. Mỗi năm, Khu di tích đón hàng nghìn lượt đoàn đại biểu, các đoàn học sinh, sinh viên trên cả nước đến tham quan và là điểm đến trong hành trình về nguồn của nhiều đơn vị.

Cô giáo Nguyễn Lê Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, chia sẻ trong chuyến đi cùng các em nhỏ: Mỗi lần đưa các con đến đây, chúng tôi không chỉ kể về lịch sử, mà còn gieo mầm lòng biết ơn, tình yêu quê hương, đất nước. Tuy các con mới bước vào độ tuổi mẫu giáo, nhưng tôi tin rằng nếu tình yêu nước, lòng biết ơn được bồi đắp càng sớm, sẽ càng thấm đẫm trong tâm hồn con trẻ. Đây cũng sẽ là những kỷ niệm đẹp, hành trang mà các con mang theo trong quá trình trưởng thành sau này.

Trải qua 3 lần tôn tạo, nâng cấp, hiện nay, không gian Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 được quy hoạch khang trang, với kiến trúc truyền thống gồm cổng Tam quan, nhà tưởng niệm, sân hành lễ, đền Ông, đền Bà, hồ sen, vườn chè… tạo nên một khung cảnh vừa trang nghiêm vừa gần gũi. Nhiều hoạt động như lễ kết nạp đội viên, đoàn viên, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa học đường cũng được tổ chức tại đây, giúp lịch sử sống động và có chiều sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ.

Cứ đến dịp tháng 7, nhiều đoàn khách trong cả nước lại về Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 để bày tỏ lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Cứ đến dịp tháng 7, nhiều đoàn khách trong cả nước lại về Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 để bày tỏ lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Bên cạnh giá trị lịch sử và tinh thần, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 còn là một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, kết nối cùng các tuyến điểm, như: Hồ Núi Cốc, Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc, ATK Định Hóa… tạo nên hệ sinh thái du lịch “về nguồn” đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị khu di tích. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ số, số hóa 3D toàn bộ di tích, phát hành bài viết trên các nền tảng truyền thông địa phương và quốc gia để lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử.

Đồng chí Đặng Cương Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Phúc khẳng định: Chúng tôi xác định Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 không chỉ là một điểm đến, mà còn là một trong những mũi nhọn phát triển du lịch của địa phương.

Trong nhiệm kỳ 2025-2030, xã đã xây dựng kế hoạch kết nối Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 với các điểm đến trên địa bàn nhằm phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tại hồ Núi Cốc với du lịch lịch sử - tâm linh, nhằm thu hút thêm du khách đến với địa phương.

Giữa dòng chảy thời gian, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 vẫn lặng lẽ lưu giữ những ký ức hào hùng của dân tộc, là nơi kết nối quá khứ với hiện tại, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau.

Trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa, gốc đa, nén nhang, giọt nước mắt, câu chuyện kể… tất cả hòa quyện thành một không gian linh thiêng, nơi lòng biết ơn không phai nhạt theo năm tháng. Và dù thời gian có trôi, hành trình về nguồn sẽ còn tiếp tục, như một mạch chảy ngầm trong tâm hồn người Việt, thầm lặng nhưng mãnh liệt và bền bỉ.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/noi-hoi-tu-cua-long-biet-on-72442fc/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm