Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗi lo “AI hóa” trong sáng tạo nghệ thuật

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được nhiều người sử dụng trong những phương diện hoạt động, sinh hoạt khác nhau. Ở mảng sáng tạo nghệ thuật, trào lưu “AI hóa” cũng đã bắt đầu manh nha, cần có những cảnh báo cần thiết.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk11/05/2025

Họa sĩ P.T. (TP. Đà Nẵng) cho hay, anh “giao việc” cho ChatGPT vẽ một bức chân dung của chính anh, từ một tấm ảnh chụp. Chỉ sau 5 giây, một bức họa với đường nét sắc sảo đã xuất hiện, thể hiện diện mạo một con người đầy suy tư. “Thật khó tưởng tượng nổi, trí tuệ nhân tạo giờ đây đã đạt mức độ này. Nếu không sớm có định nghĩa chính xác lại câu chuyện nghệ thuật, chúng ta sẽ rất khó khăn để cưỡng lại xu thế “AI hóa” ở giới trẻ”, anh P.T. tâm tư.

Tâm tư của anh P.T. cũng chính là suy nghĩ của nhiều người, nhất là các bạn trẻ đang đặt chân vào con đường nghệ thuật. Công nghệ số với các phần mềm AI đang khiến họ ngơ ngác, khi nhận ra một bức ảnh màu độc đáo nào đó được lan tỏa trên mạng xã hội thực chất do AI tạo ra. Thậm chí một số bức tranh gần đây của nhiều bạn trẻ, dùng màu và bút cọ trực tiếp song cũng “nhại ý tưởng” từ một phác thảo của AI. “Ám ảnh tư duy nghệ thuật ở nhiều người là có thật, vì AI có thể tạo nhiều kết quả từ dữ liệu của rất nhiều người đi trước, gồm cả những tác phẩm từ các danh họa lớn, khiến độ mở của các ý đồ sáng tạo nghệ thuật qua AI rất rộng”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu (TP. Huế) chia sẻ.

Sự ảnh hưởng này của AI không chỉ dừng lại ở tranh vẽ. Trong sáng tác video, AI có thể tạo ra nhiều tình huống, thành phẩm phim ảnh ngắn chỉ từ một vài bức ảnh và cú pháp thông tin. Với thơ văn, tình trạng cũng dễ đi đến những lo lắng nhất định, khi một số bạn trẻ bắt đầu có thói quen biểu đạt suy nghĩ cá nhân bằng những câu thơ, lời văn trích dẫn từ AI. Khi những tư liệu ấy trở nên công khai, phổ biến, sẽ rất dễ có những người khác sao chép, sử dụng và vô tình đưa vào những sáng tác của mình. Tất cả tạo nên một dòng chảy dữ liệu “số hóa” không ngừng khiến việc phân định thật giả trong sáng tạo nghệ thuật càng thêm khó khăn hơn.

Bức ảnh về sự kiện xe tăng giải phóng Quân tiến vào Dinh Độc Lập do AI tạo đã có những sai khác thiếu chính xác được giới chuyên môn chỉ ra.

Mới đây, một số nhà nghiên cứu lịch sử đã phải lên tiếng “báo động” về tình trạng “AI hóa” các dữ liệu lịch sử thành hình ảnh minh họa. Cụ thể bức ảnh chụp xe tăng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 khi được AI xử lý thành tranh vẽ đã thay đổi rất nhiều chi tiết, như giày và súng của các chiến sĩ và đáng lo là đã có một số đơn vị truyền thông dùng những hình ảnh này làm minh họa. Với sự “dễ dãi” như vậy, các nhà nghiên cứu lo sợ những hình ảnh chính xác sẽ dần bị thay thế bằng các hình ảnh từ AI, bởi màu sắc, đường nét sinh động hơn và hệ lụy là sự thật lịch sử sẽ rất dễ bị nhầm lẫn, sai khác, nhất là với các thế hệ mai sau. Cảnh báo của các nhà chuyên môn là cần hết sức thận trọng với trào lưu “AI hóa”.

“Điều có thể giúp phân biệt suy nghĩ sáng tạo của chúng ta với trí tuệ nhân tạo là cảm xúc. AI có thể qua khối lượng dữ liệu khổng lồ của nó mô tả được tất cả những diễn biến, thông tin một vấn đề như một con người thật; song nó không thể cảm thụ được cảm giác đau đớn như khi chân chúng ta vấp vào cạnh bàn. Cho nên, sáng tạo nghệ thuật để khẳng định giá trị, nhất định phải gắn liền với cảm xúc thật của con người và đây là đòi hỏi rất quan trọng với các tác giả trẻ, những người đã làm quen với trí tuệ nhân tạo mà lại thiếu những kinh nghiệm, thực tiễn cuộc sống”, họa sĩ P.T. khẳng định.

Cùng quan điểm với cách nhìn nhận này, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho rằng, ở các bạn trẻ hôm nay, việc sử dụng AI trong học tập, sinh hoạt là tất nhiên, song cần thận trọng khi ứng dụng AI vào sáng tạo tư duy. Trong lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo, không thể vì bị hấp dẫn bởi chất lượng ứng dụng từ AI mà “dễ thỏa hiệp” với những ý tưởng, cấu trúc bố cục mà AI đề ra. “Hãy tập trung vào cảm xúc của mình, sử dụng cảm xúc, những ý tưởng liên quan đến cảm giác thực thụ của bản thân, khi sáng tác, liên tưởng… Có thể ban đầu, các bạn sẽ thấy khó khăn nhưng kiên trì và nhất quán với điều đó, các bạn sẽ định hình được lối suy nghĩ độc lập của mình, và lúc đó mới tạo ra được thành quả lao động của chính mình”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu phân tích.

Rõ ràng trong nhịp điệu cuộc sống hôm nay, tác động của cuộc sống số vào hoạt động của mỗi cá nhân và cả những tập thể, là khó tránh khỏi. Trong địa hạt nghệ thuật, những tác động đó lại càng dễ xảy ra, đặc biệt khi mỗi người không tự tin và không tìm thấy được những ý tưởng mới mẻ cho mình. Cho nên, kinh nghiệm cuộc sống và những cảm xúc chân thật của mỗi người mới thực sự là tư liệu quý, là nền tảng xây dựng nên các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của các tác giả.

Thụy Bất Nhi

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202505/noi-lo-ai-hoa-trong-sang-tao-nghe-thuat-ce7171a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm