Điều tiết nguồn nước, dinh dưỡng... cho cây trồng bằng công nghệ
Những ngày đầu tháng 7, giữa nắng gió khô khốc nơi vùng đất phía nam Khánh Hòa, chúng tôi có mặt tại vùng trồng nho của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải). Dẫn chúng tôi tham quan vườn nho sum suê cây trái xanh mướt rộng hơn 5.000m2, ông Nguyễn Khắc Phòng - Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An chia sẻ: Để có được thành quả ngày hôm nay, đó là một sự nỗ lực dài hơi, bền bỉ, tiên phong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất của các thành viên. Cũng như những vùng đất khô hạn khác ở phía nam Khánh Hòa, mỗi năm, vùng trồng nho Thái An có đến 6 tháng khô hạn (từ tháng 3 đến tháng 9), thiếu nước nên phát triển sản xuất nông nghiệp luôn là “bài toán” nan giải.
Vùng trồng nho của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải). |
Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, ông Phòng cùng các thành viên trong HTX đã mạnh dạn đầu tư nhà màng có mái che và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nước tưới, chế độ dinh dưỡng cung cấp cho cây nho được điều chỉnh qua smartphone (điện thoại thông minh) để điều tiết lượng nước phù hợp, đặc biệt vào các tháng khô hạn. Đồng thời, các thành viên HTX đã mạnh dạn trồng giống nho mới để phù hợp với khí hậu nắng hạn, ít tốn nước như giống nho hạ đen (NH0126), nho ngón tay đen (NH04102)… “Hiện nay, toàn thôn Thái An đã có hơn 85% hộ dân làm nghề trồng nho, riêng HTX có hơn 20ha trồng nho. Nhờ điều tiết được nguồn nước, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nho được trồng trong nhà màng có mái che đã phát triển tốt, năng suất hiện nay khoảng trên 250 tấn/ha. Giá nho hiện tại dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, mang lại thu nhập cao; nhiều sản phẩm của HTX được làm từ nho và giống nho đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và được bán vào các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh” - ông Phòng chia sẻ. Cùng với làng nho Thái An, các làng nho: Văn Hải (phường Phan Rang), Nho Lâm (xã Thuận Nam) hiện nay đã ứng dụng công nghệ cao trên 85ha và còn thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ nho, nhiều loại cây trồng mới được nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Bình Minh - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh (xã Mỹ Sơn) chia sẻ: Trên vùng đất luôn đối mặt với khô hạn, thiếu nước, công ty đã đầu tư 20 nhà màng để trồng giống dưa lưới do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chuyển giao kỹ thuật. Tay nâng những trái dưa vàng ươm, trĩu nặng, ông Minh vui mừng cho biết: "Dưa nay đã đạt gần 50 "ngày tuổi", còn khoảng hơn 15 "ngày tuổi" nữa là thu hoạch, trọng lượng quả dưa khi thu hoạch đạt khoảng 1,8 - 2kg. Với diện tích nhà màng 2.000m2, năng suất thu hoạch khoảng 8 tấn dưa. Với giá bán tại vườn hiện tại là 45 ngàn đồng/kg sẽ cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng.
Tiếp tục nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn
Trong những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là phía nam tỉnh đã tác động rất rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp; nhiều diện tích không trồng trọt được hoặc trồng trọt với năng suất thấp. Do đó, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là giải pháp tối ưu trong canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trồng giống dưa lưới trong nhà màng của Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh (xã Mỹ Sơn). |
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Mai Văn Hào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Hơn 5 năm qua, viện đã có những nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn tại địa phương. Điển hình là thiết kế nhà màng, nhà lưới và hệ thống điều khiển lượng nước, dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng với chi phí giá thành thấp. Đồng thời, viện cũng nghiên cứu các giống cây trồng mới như: Nho, táo, xoài, mít, măng tây xanh, hành, tỏi… để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tiết kiệm chi phí, công lao động cho người nông dân. Đến nay, nhiều nông dân phía nam tỉnh Khánh Hòa áp dụng mô hình này có thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhưng việc ứng dụng công nghệ mới về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm do quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, an toàn khi sử dụng… cũng nâng cao dinh dưỡng cho đất, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Không chỉ vậy, các mô hình nông nghiệp tiên tiến ứng dụng khoa học công nghệ như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ còn phục vụ phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương. "Thời gian tới, viện sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ giới hóa, tự động hóa vào các khâu sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới để giảm tối đa chi phí. Đồng thời, nghiên cứu những giống cây trồng chịu hạn, chịu nhiệt, chịu mặn tốt, có giá trị kinh tế vượt trội nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn” - Tiến sĩ Mai Văn Hào chia sẻ.
MÃ PHƯƠNG - THÁI THỊNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/nong-nghiep-cong-nghe-cao-phat-huy-hieu-qua-tren-vung-nang-han-40b5007/
Bình luận (0)