Người sáng lập Google, Amazon và ấn tượng đầu đời từ lớp học Montessori
Trong một cuộc phỏng vấn, hai nhà đồng sáng lập ra Google - hai tỷ phú người Mỹ Larry Page và Sergey Brin (cùng có khối tài sản vào khoảng 140 tỷ USD mỗi người) - đã được hỏi rằng, liệu việc có cha mẹ là giáo sư và nhà khoa học có phải là yếu tố quan trọng giúp họ đạt được thành công hay không.
Dù vậy, cả hai tỷ phú đều không đề cập đến yếu tố gia đình, mà cùng nhắc tới một điều đặc biệt trong những năm tháng tuổi thơ của họ. Đó là cả hai đều từng được học tại các trường mẫu giáo và tiểu học áp dụng phương pháp giáo dục Montessori.

Hai nhà đồng sáng lập ra Google - Larry Page và Sergey Brin - coi những năm tháng ấu thơ học tập theo phương pháp Montessori là yếu tố quan trọng giúp họ thành công (Ảnh: iStock).
Tỷ phú Larry Page chia sẻ: “Cả hai chúng tôi đều từng học ở những trường áp dụng phương pháp giáo dục Montessori. Tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu giúp chúng tôi học cách không tư duy, hành động một cách máy móc, biết tự thúc đẩy bản thân, không ngừng đặt ra câu hỏi về thế giới xung quanh và hành động một cách khác biệt”.
Lớp học áp dụng phương pháp giáo dục Montessori ở bậc mẫu giáo hay tiểu học thường giống như một phòng thí nghiệm tự học. Trẻ được tự do lựa chọn hoạt động phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, đặt trong khuôn khổ có giới hạn, thay vì bị ép học theo một chương trình cố định.
Giáo viên dạy theo phương pháp Montessori cũng tôn trọng nhịp độ phát triển riêng của mỗi trẻ, không so sánh, không thúc ép, bởi họ tin rằng mỗi trẻ có tốc độ học khác nhau và cần được tôn trọng tuyệt đối.
Lớp học dạy theo phương pháp Montessori chú trọng giúp trẻ học tập thông qua sự tinh nhạy của các giác quan, phát triển cả tư duy trừu tượng và kỹ năng vận động. Trong lớp, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, quan sát sự phát triển của từng trẻ để hỗ trợ đúng lúc.
Tự do học tập giúp trẻ tập trung và kỷ luật hơn
Điều tuyệt vời nhất trong các lớp học áp dụng phương pháp Montessori chính là sự tự do. Ngoài vài hoạt động cố định như giờ ăn trưa, giờ chơi hay giờ sinh hoạt tập thể, phần lớn thời gian, học sinh được tự chọn việc mình muốn làm, thứ mình muốn học.
Điều bất ngờ là, những đứa trẻ trong các trường lớp áp dụng phương pháp giáo dục Montessori thường không nghịch ngợm hay phá phách, mà đều thích ngồi yên và học một cách say mê. Điều này cho thấy trẻ nhỏ có thể tập trung học tập kéo dài, nếu được kích thích đúng cách.

Điều tuyệt vời nhất trong các lớp học áp dụng phương pháp Montessori chính là sự tự do (Ảnh minh họa; iStock).
Montessori từng viết: “Một đứa trẻ đã làm chủ được hành vi của mình và tìm được cảm hứng từ các hoạt động thú vị khiến trẻ bị hấp dẫn, đó sẽ là những đứa trẻ khoẻ mạnh, vui vẻ, điềm tĩnh và có tính kỷ luật”.
Tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos là một minh chứng sống cho điều này. Khi còn nhỏ và được theo học ở những trường áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, cậu bé Jeff Bezos từng mải mê học đến mức cô giáo phải bế cậu ra khỏi lớp sau khi đã hết giờ học, bởi cậu bé quá say mê học và không muốn ra về.
Nữ nhà giáo người Italy Maria Montessori chính là người đầu tiên thách thức quan điểm giáo dục truyền thống. Tại ngôi trường đầu tiên do bà mở ra hồi năm 1906 ở Rome (Italy), bà loại bỏ thời khoá biểu và phong cách giảng dạy kiểu thầy đọc trò chép, xếp bàn theo hàng, chấm điểm bài kiểm tra để đánh giá học sinh...
Về cơ bản, phương pháp giáo dục của Montessori phá vỡ những kỷ luật quen thuộc trong học tập, đưa lại sự tự do cao nhất cho học sinh, nhưng vẫn đảm bảo kết quả học tập.
Nữ nhà giáo Maria Montessori đã chứng minh rằng ngay cả trẻ em sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thậm chí từng bị sang chấn tâm lý vì những biến cố của thời cuộc hay gia đình, vẫn có thể học tập tốt, nếu được dạy theo phương pháp Montessori.
Một thế kỷ sau, một nghiên cứu được tiến hành năm 2006 và được công bố trên tạp chí khoa học Science (Mỹ) tiếp tục cho thấy, đặt trong bối cảnh hiện đại, phương pháp giáo dục Montessori vẫn rất hiệu quả.
Cụ thể, những trẻ em sinh ra trong những gia đình có thu nhập thấp ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ, vẫn đạt kết quả học tập vượt trội ở nhiều lĩnh vực, khi được học bằng phương pháp giáo dục Montessori.
Nguồn cảm hứng từ người phụ nữ tiên phong phá vỡ mô hình giáo dục truyền thống
Thực tế, nhiều tỷ phú công nghệ nổi tiếng trên thế giới hiện nay chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phương pháp giáo dục của nữ nhà giáo Maria Montessori. Chính phương pháp giáo dục Montessori đã truyền cảm hứng cho họ phát triển bản thân, đưa lại những phát kiến mới cho cộng đồng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong công ty mà họ lãnh đạo.
Tiến sĩ Andrew McAfee cũng đề cập tới một số nghiên cứu khác từng phát hiện ra rằng, có một tỉ lệ lớn những doanh nhân có tư duy sáng tạo từng học tập tại những trường áp dụng phương pháp giáo dục Montessori.

Nữ nhà giáo người Italy Maria Montessori (1870-1952) (Ảnh: iStock).
Nữ nhà giáo Maria Montessori và phương pháp giáo dục của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới. Thực tế, giữa bà và họ cũng có những nét tương đồng.
Trong sự nghiệp giáo dục mà bà theo đuổi, Montessori lựa chọn dấn thân vào một vấn đề khó. Bà đưa ra phương pháp giáo dục khác biệt, rồi kiên trì theo đuổi đến cùng, để chứng minh được tính hiệu quả.
Phương pháp giáo dục mang tên bà - phương pháp Montessori - nuôi dưỡng tư duy sáng tạo và tư duy đột phá. Trong khi đó, sáng tạo và đột phá là những yếu tố then chốt của thành công trong thế giới đương đại.
Phương pháp giáo dục Montessori từ lâu đã cho thấy rằng, trẻ em không cần bị bó buộc, áp đặt để có thể học tốt hay vượt qua các bài kiểm tra. Khi được trao quyền tự do, tự chủ trong học tập, các em vẫn tiếp thu tốt như thường, thậm chí còn tốt hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-giao-vien-qua-doi-70-nam-truoc-nam-bi-mat-thanh-cong-cua-nhieu-ty-phu-20250712081552745.htm
Bình luận (0)