Trong những ngày Hà Nội chìm trong lớp bụi mù dày đặc, hình ảnh những chiếc xe gắn ống phun khổng lồ xịt sương mù trên đường phố thu hút sự chú ý của nhiều người.
Loại phương tiện này còn được gọi là pháo xa sương mù hay pháo chống bụi (dust suppression cannon).

Pháo xa sương mù hoạt động tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Từ đầu tháng 7, pháo xa sương mù đã hoạt động trên các tuyến phố của Hà Nội. Dự kiến xe sẽ hoạt động trên 13 phường nội đô: Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Ba Đình...
Đây là một trong những mẫu xe hiện đại nhất về vệ sinh môi trường, đang trở thành giải pháp hữu hiệu giúp các thành phố giải quyết bài toán bụi mịn và ô nhiễm không khí.
Tạo hạt nước siêu nhỏ áp chế bụi mịn
Pháo xa sương mù hoạt động dựa trên nguyên lý phun sương siêu mịn áp lực cao, tạo ra các hạt nước kích thước 50-150 micromet. Những hạt sương li ti này bám vào bụi mịn (PM2.5, PM10) trong không khí, khiến chúng nặng hơn và rơi xuống mặt đất, từ đó giúp làm sạch không khí xung quanh.
Theo đơn vị nhập khẩu, thiết bị được sử dụng tại Hà Nội có thể chứa đến 10.000 lít nước, tạo màn sương rộng đến 100m, cao hơn 35m và có thể hoạt động liên tục trong 75 phút.
Pháo được gắn ống phun rộng tới 80cm, nâng góc phun tới 45 độ – phù hợp cho cả công trường, tuyến phố lớn và khu vực giao thông đông đúc.
Thế giới ứng dụng như thế nào?
Theo SCMP, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng pháo xa sương mù ở quy mô lớn. Tại Bắc Kinh và Tây An, chính quyền triển khai hàng trăm xe phun sương di động từ năm 2014 để đối phó với bụi mịn.
Mỗi thiết bị có thể phun sương xa tới 120m và cao 60m, tạo ra “cơn mưa nhẹ” bằng các hạt nước có kích thước nhỏ như bụi. Người vận hành có thể điều khiển pháo quay 270 độ bằng điều khiển từ xa để mở rộng phạm vi phun.
Theo ghi nhận, chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt ngay sau khi pháo xa sương mù hoạt động, khiến không gian “trở nên sáng và sạch hơn trong thời gian ngắn”. Trung bình, mỗi thiết bị vận hành 2 lần mỗi ngày, nhưng có thể tăng lên 3 đến 5 lần trong những ngày có bụi mịn nặng.

Pháo xa sương mù hoạt động ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Tại New Delhi, Ấn Độ nơi thường xuyên đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, pháo xa sương mù được dùng như một biện pháp khẩn cấp. Trong chiến dịch “Clean Air for Delhi”, thiết bị này được đưa vào các khu vực gần trường học và trục đường chính để làm sạch không khí trong thời gian ngắn.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại thủ đô New Delhi, chính quyền thành phố cũng đã ban hành quy định, bắt buộc tất cả các tòa nhà cao tầng thương mại, khách sạn, văn phòng và cơ sở giáo dục phải lắp đặt pháo xa sương mù nhằm kiểm soát bụi mịn tại chỗ.
Việc mở rộng sử dụng pháo sương mù được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bụi mịn PM2.5, vốn là tác nhân chính gây bệnh hô hấp, tim mạch và giảm tuổi thọ trung bình của người dân đô thị.
Tại châu Âu, dự án AIRUSE do Liên minh châu Âu tài trợ đã tiến hành đánh giá pháo sương mù tại các thành phố như Barcelona (Tây Ban Nha), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Florence (Ý).
Kết quả cho thấy công nghệ này hiệu quả rõ rệt trong việc giảm bụi mịn tại chỗ, đặc biệt là trong điều kiện khô hạn hoặc gió nhẹ.
Cụ thể, báo cáo cho thấy, việc phun sương mù trên toàn mặt đường mang lại hiệu quả rõ rệt đối với chất lượng không khí: Ngay trong ngày ứng dụng lượng bụi PM10 bị giảm tới 90% hoặc hơn; 1 ngày sau đó mức giảm khoảng 60%; 2 ngày sau giảm 30%; đến ngày thứ 3, hiệu quả gần như chấm dứt.
Trong khi đó, nếu chỉ phun gần lề đường, hiệu quả thấp hơn: Ngày đầu giảm 40%; ngày kế tiếp giảm 20%; ngày thứ ba gần như không còn tác dụng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/phao-xa-suong-mu-ap-che-bui-min-o-ha-noi-the-gioi-ung-dung-nhu-the-nao-20250718075041202.htm
Bình luận (0)