Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát hiện khu mộ táng 2.000 năm tuổi

Một khu mộ táng có niên đại khoảng 2.000 năm (thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh) vừa được phát hiện tại xã Hiệp Đức, TP.Đà Nẵng (xã Hiệp Hòa, H.Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cũ), sau khi các nhà khảo cổ đưa ra ánh sáng, đã mang đến cái nhìn sâu sắc về một nền văn minh cổ đại từng thịnh vượng tại dải đất miền Trung.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên17/07/2025

VÙNG ĐẤT ẨN CHỨA DI TÍCH NGÀN NĂM

Khu vực Thổ Chùa thuộc thôn Bình Kiều (xã Hiệp Hòa, H.Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cũ), tên gọi chung của vùng đất phù sa ven sông Tranh (một nhánh thượng nguồn của sông Thu Bồn), từ lâu đã được biết đến là một "điểm nóng" về khảo cổ học. Những gò đất cao gần bờ sông Tranh luôn là điểm thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và cả những người săn tìm cổ vật.

Phát hiện khu mộ táng 2.000 năm tuổi- Ảnh 1.

Vị trí các hố đào thăm dò ở khu vực Thổ Chùa

ẢNH: HÀ SƯƠNG

Vào những năm cuối thập niên 1990, tại Thổ Chùa từng xảy ra những cuộc đào phá tự phát, khi người dân địa phương đổ xô tìm kiếm đồ cổ. Thời điểm đó, nhiều hiện vật quý như chum gốm chứa đồ tùy táng bằng gốm và trang sức mã não, đá quý, thậm chí cả trống đồng, khuyên tai hai đầu thú, đồ sắt và di cốt người đã được phát hiện, dù không theo quy trình khoa học.

Nhận thấy tầm quan trọng của địa điểm này, năm 2023 Bảo tàng Quảng Nam tổ chức một đợt điều tra, khảo sát các di tích, địa điểm khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Tại Thổ Chùa, đoàn khảo sát đã thu thập được trên bề mặt một dọi xe sợi bằng đất nung, 34 mảnh gốm của chum và các đồ đựng bằng đất nung, tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh.

Đột phá lớn nhất là mới đây Bảo tàng Quảng Nam mở 5 hố thăm dò khảo cổ với tổng diện tích 23 m2 và đã phát hiện 2 mộ chum, 1 mộ vò, 2 cụm mộ nồi cùng nhiều hiện vật tùy táng. Trong số đó có rìu đá, chum gốm, vò gốm, đồ đồng, đồ sắt và đặc biệt là các loại trang sức bằng thủy tinh, thủy tinh cuộn và mạ vàng.

Đặc biệt đoàn khảo cổ đã phát hiện và phục dựng được nhiều đồ đựng bằng đất nung đặt bên ngoài, xung quanh các chum gốm. Đây là những đồ tùy táng với nhiều loại hình phong phú như nồi, ly, bát, bình, bát bồng, nắp gốm minh khí, nắp chum… có niên đại hơn 2.000 năm, thuộc về văn hóa Sa Huỳnh.

Trong số các hố thăm dò, hố số 5 đặc biệt nổi bật với 2 mộ chum nằm sâu từ 95 - 180 cm. Các chum này có hình trụ, dáng phình to dần về phần gần đáy, thân có màu nâu nhạt. Đồ gốm tùy táng được sắp đặt tỉ mỉ xung quanh chum, từ vành miệng cho tới tận chân đế. Bên trong lòng chum, các nhà khảo cổ tìm thấy đồ tùy táng bằng sắt và nhiều hạt cườm tấm đa màu sắc.

Cùng với đó, 7 tiêu bản hiện vật sắt đã được tìm thấy trong lòng chum gốm và dưới cụm mộ nồi của hố thăm dò, bao gồm các loại dao, kiếm, rìu. Những hiện vật này có hình dạng ổn định và chuyên nghiệp, phản ánh trình độ chế tác kim loại cao của cư dân Sa Huỳnh, tương tự những gì thường thấy ở Đông Nam Á về buổi đầu thời đại đồ sắt. Điều thú vị là hình dáng của chúng vẫn được dùng trong đời sống hằng ngày cho tới nay.

Trong cuộc khai quật này, 3 bát đồng màu xanh, xương mỏng dễ vỡ cũng được phát hiện giữa hai cụm nồi gốm ở lớp 6 - 7 của hố 1. Đáng chú ý, trên bề mặt khu vực Thổ Chùa, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một dọi xe sợi bằng đất nung và một khuyên tai hình con đỉa. Đây đều là những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, đã được tìm thấy nhiều tại các di chỉ khác ở Quảng Nam.

NHIỀU DI VẬT QUÝ GIÁ

Ông Trần Văn Đức, Phó giám đốc Ban quản lý Di tích và bảo tàng Quảng Nam, cho biết trong đợt thăm dò lần này, các nhà khảo cổ còn phát hiện 7 hạt chuỗi thủy tinh cuốn mạ vàng cùng 242 hạt cườm tấm với nhiều màu sắc rực rỡ. Những hiện vật này không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế mà còn cho thấy sự giao thương rộng rãi của cư dân Sa Huỳnh.

Phát hiện khu mộ táng 2.000 năm tuổi- Ảnh 2.

Hạt chuỗi thủy tinh cuốn và mạ vàng

Phát hiện khu mộ táng 2.000 năm tuổi- Ảnh 3.

Chuỗi hạt cườm tấm cụm mộ vò

Phát hiện khu mộ táng 2.000 năm tuổi- Ảnh 4.

Nồi gốm được phát hiện trong quá trình thăm dò

Đáng chú ý, hình dáng chum, hình thức mai táng và cách sắp đặt đồ tùy táng trong 2 chum được phát hiện ở hố 5 có những đặc trưng riêng biệt so với các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh khác ở Quảng Nam. Chum hình trụ tròn với nắp hình nón cụt, nhưng phần loe to dần ở gần đáy chum lại khá giống với chum hình quả đào. Trang sức tùy táng trong chum chỉ có những hạt cườm tấm nhỏ nhiều màu sắc, không phát hiện được trang sức bằng đá hay mã não.

Theo ông Đức, tổng thể các di tích và di vật tại Thổ Chùa cho thấy một khu mộ táng với đồ tùy táng đa dạng và cách thức táng khá đặc biệt, khi mà hầu hết đồ gốm tùy táng lại được đặt bên ngoài mộ. Bộ di vật này phản ánh mối quan hệ giao lưu nội vùng và liên vùng của cư dân Thổ Chùa, không chỉ với các di tích vùng cửa sông Thu Bồn mà còn xa hơn, với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Quá trình thu thập thông tin từ người dân về những phát hiện trước đây ở khu vực Thổ Chùa cũng ghi nhận sự xuất hiện của trống đồng và nhiều đồ đựng bằng đồng khác, càng củng cố thêm giả thuyết về sự giao thương mạnh mẽ.

Trên cơ sở so sánh, đối chiếu loại hình các di vật, các nhà khảo cổ học nhận định địa điểm Thổ Chùa có niên đại tương đối muộn, khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên. Điều này bổ sung thêm thông tin quan trọng vào bức tranh chung về sự phát triển và biến đổi của văn hóa Sa Huỳnh. "Phát hiện này đã mở ra những hướng nghiên cứu, điều tra khảo sát và khai quật khảo cổ mới đầy hứa hẹn cho khu vực này trong tương lai", ông Đức khẳng định.

Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-hien-khu-mo-tang-2000-nam-tuoi-185250717225023364.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm