Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại Quảng Ninh là điển hình cho sự kết hợp "5 nhà" để phát triển xanh bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhấn mạnh vai trò cốt lõi của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, như một trụ đỡ vững chắc trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất và nước, cùng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sinh kế cho nông dân, bảo vệ môi trường và duy trì tài nguyên cho các thế hệ tương lai. Diễn đàn được tổ chức dựa trên các định hướng chiến lược quan trọng như Nghị quyết 19-NQ/TW (ngày 16/6/2022) về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; cùng Quyết định 150/QĐ-TTg (ngày 28/1/2022) về Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững đến năm 2050.
Sự đồng hành của "5 nhà"
Diễn đàn tập trung vào việc kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa năm chủ thể quan trọng, bao gồm Nhà nước, Nhà băng, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông. Mỗi "nhà" đóng vai trò không thể thiếu trong hành trình xây dựng một nền nông nghiệp xanh.
Tiến sĩ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ ra rằng nông nghiệp vừa là ngành chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, vừa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau năng lượng. Số liệu cho thấy nếu không sử dụng phân bón, sản lượng nông nghiệp toàn cầu có thể giảm 50%, nhưng khoảng 2,5%-10% tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón, tùy thuộc vào quốc gia.
Để giải quyết vấn đề này, một số công ty phân bón đã áp dụng các phương pháp sản xuất "xanh hơn", như sử dụng năng lượng tái tạo cho quy trình Haber-Bosch hoặc nghiên cứu tổng hợp amoniac thay thế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã thu hồi 40.000 tấn CO2 mỗi năm từ khí thải, thể hiện nỗ lực giảm phát thải trong sản xuất.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phùng Hà nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng phân bón hợp lý theo "sáng kiến 4 Đúng" (đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc, đúng cách) và phát triển các loại phân bón hiệu quả cao (EEF) như phân đạm giải phóng chậm, phân nitơ ổn định, hoặc phân đùi sâu (UDP) để giảm thất thoát nitơ và khí N2O. Ông cũng đề xuất nghiên cứu các dòng phân bón thế hệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp xanh, vừa tăng năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Ông Đào Duy Nam, Phó Giám đốc Khu vực Miền Bắc Ngân hàng Nam Á, khẳng định sự đồng hành của các tổ chức tài chính là yếu tố sống còn trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp xanh. Ngân hàng Nam Á đã xác định ba định hướng chiến lược: phát triển tài chính toàn diện và tín dụng xanh, chuyển đổi số cho nông dân, và kiến tạo chuỗi liên kết giá trị. Cụ thể, ngân hàng triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho mô hình trồng lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đưa các sản phẩm tài chính lên nền tảng số, từ tài khoản thanh toán đến vay vốn và bảo hiểm. Hơn nữa, Ngân hàng Nam Á đang thúc đẩy chuỗi liên kết trong các ngành thủy sản, cao su, chè, và ưu tiên tín dụng xanh, tài trợ chuyển đổi năng lượng trong nông nghiệp, phù hợp với định hướng ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp).
Tiến sĩ Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và thể chế trong chuyển đổi xanh và số hóa ngành nông lâm nghiệp. Ông đề xuất Tổng hội Nông nghiệp cần nâng cao nhận thức và thực hành chuyển đổi xanh cho các hợp tác xã, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành thiết lập chế tài thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đạt tiêu chuẩn Net Zero, xác nhận tín chỉ carbon, và gắn tem nhãn sinh thái Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, và kết nối thị trường là yếu tố then chốt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết Net Zero tại COP26 và hội nhập quốc tế từ năm 2028.
Diễn đàn không chỉ là nơi kết nối mà còn là cơ hội để đề xuất các giải pháp thực tiễn. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ, Nhà băng cung cấp vốn ưu đãi và công nghệ tài chính, Nhà doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và thị trường, Nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp công nghệ cao, và Nhà nông áp dụng tri thức mới. Sự đồng bộ này sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản và cạnh tranh trên trường quốc tế. Các hợp tác xã được khuyến khích nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ, và mở rộng thị trường, từ đó thúc đẩy sản xuất bền vững.
Đỗ Hương
Nguồn: https://baochinhphu.vn/phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung-can-su-chung-tay-cua-cong-dong-102250508155802914.htm
Bình luận (0)