Vùng sản xuất rau an toàn của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc).
Trong những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ đất đai, chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả để hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn. Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn của tỉnh, huyện đã hỗ trợ nâng cấp đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện còn phối hợp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn Dương Đăng Hòa cho biết: THT có 9 thành viên tham gia sản xuất gần 2ha rau sạch các loại. Trước đây, các tổ viên thường sản xuất rau theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng như cách chăm sóc rau đảm bảo an toàn thực phẩm. Được ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ viên quy trình sản xuất rau bảo đảm an toàn thực phẩm, đến nay vùng sản xuất rau của THT được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá sản phẩm rau các loại cao hơn từ 15 - 30% so với trước.
Thạch Thành là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi số để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2030”. Trong đó, đến năm 2030, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất tập trung rau, quả với diện tích 500ha. Cùng với đó, xây dựng 6 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thạch Thành Bùi Thanh Hiếu: “Để đạt được mục tiêu đó, phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, mô hình chuyên canh rau, quả an toàn, tại các xã Thạch Sơn, Thạch Bình, Thành Hưng, Thạch Long và thị trấn Vân Du... Huyện cũng nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp đồng bộ về cơ sở hạ tầng (giao thông vùng sản xuất, thủy lợi, điện, nhà xưởng, kho bảo quản, xưởng chế biến nông sản...) và xây dựng hạ tầng cho một số mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn làm cơ sở để phát triển nhân rộng ra toàn huyện”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14.000ha chuyên canh rau, quả an toàn ở các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa... Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, 1ha rau có doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/năm trở lên. Để khuyến khích các tổ chức, HTX, THT, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn tập trung, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn như: Hỗ trợ 170 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, ven biển và 200 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi cho diện tích sản xuất rau an toàn tập trung, chuyên canh có quy mô từ 3ha trở lên; hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP cho rau an toàn với mức 7 triệu đồng/ha. Hàng năm, tỉnh còn hỗ trợ từ 16 - 18 triệu đồng/ha kinh phí thuê kiểm soát chất lượng và dán tem rau an toàn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật. Từ đó, kích cầu các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi vùng trồng rau màu truyền thống sang sản xuất rau an toàn, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Để tiếp tục mở rộng và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tính cực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hình thành vùng sản xuất rau, quả quy mô lớn. Đồng thời, kết nối thị trường cho các HTX để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng diện tích canh tác.
Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển vùng sản xuất rau an toàn, các địa phương tích cực tuyên truyền, động viên Nhân dân tiếp tục tích tụ, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển, tạo ra vùng sản xuất lớn, tập trung.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-vung-san-xuat-rau-an-toan-248790.htm
Bình luận (0)