Theo đó, các Thành viên đã nhất trí tổ chức 3 phiên họp chuyên đề từ cuối năm 2025 đến cuối năm 2026 với các chủ đề: "Cơ hội tham gia ITA: Kinh nghiệm của những Thành viên tham gia và bên liên quan" nhằm mục đích mở rộng sự tham gia ITA và Hiệp định mở rộng ITA (ITA2); “Vai trò của ITA trong việc thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác”; “Vai trò của ITA trong việc hỗ trợ thương mại điện tử và giải quyết sự phân chia kỹ thuật số”.
Chủ tịch Uỷ ban cũng cập nhật thông tin về các cuộc tham vấn với các Thành viên về việc thúc đẩy thảo luận về các biện pháp phi thuế quan (NTMs) do chính phủ áp dụng để điều chỉnh thương mại. Các đề xuất bao gồm: tập trung vào NTMs áp dụng cho các sản phẩm ITA được giao dịch nhiều nhất, như điện thoại di động và máy tính, và giải quyết NTMs liên quan đến việc tái sản xuất (remanufacture) các sản phẩm điện tử (tháo rời và sửa chữa các thiết bị đã qua sử dụng). Các Thành viên cũng đề xuất tổ chức phiên họp chung với Ủy ban về Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), tiến hành khảo sát để xác định NTMs mà các Thành viên muốn thảo luận và khôi phục lại nhóm làm việc về NTM.
Ban Thư ký cũng đã cung cấp tài liệu hướng dẫn về cách cập nhật phân loại 22 sản phẩm CNTT (chưa thống nhất được về mã HS, bao gồm màn hình phẳng và thiết bị mạng) để phù hợp với phiên bản năm 2022 của Hệ thống hài hòa (HS) — hệ thống được sử dụng để phân loại hàng hóa giao dịch và xác định thuế quan áp dụng. Tài liệu sẽ được Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) góp ý. Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hồng Kông-Trung Quốc và Vương quốc Anh hoan nghênh các bước đầu tiên để giải quyết các thách thức về phân loại trong biểu thuế quan cho 22 sản phẩm CNTT nêu trên nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các thỏa thuận.
Phiên họp cũng tiếp tục thảo luận các vấn đề thực thi ITA bao gồm các mối quan ngại về thuế nhập khẩu của Indonesia và Ai Cập đối với các sản phẩm CNTT và điện thoại di động.
Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/11/2025.
Hiệp định ITA (ITA1) là hiệp định nhiều bên (plurilateral), được ký năm 1996, hiện có trên 80 thành viên WTO tham gia, chiếm khoảng 97% thương mại thế giới về các sản phẩm công nghệ thông tin (IT). Các Thành viên tham gia ITA1 cam kết loại bỏ hoàn toàn thuế với sản phẩm IT thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định, trong đó có chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, thiết bị viễn thông, phần mềm và thiết bị, phụ kiện lưu trữ bộ nhớ...
Năm 2007, Việt Nam tham gia ITA1 khi gia nhập WTO, và cam kết dần dỡ bỏ và tiến đến miễn thuế đối với khoảng 300 sản phẩm IT đến năm 2014. Năm 2015, có trên 50 Thành viên WTO đã ký kết Hiệp định ITA mở rộng (ITA2) thông qua danh mục bổ sung thêm 201 sản phẩm chưa được quy định trong ITA1.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/phien-hop-uy-ban-hiep-dinh-cong-nghe-thong-tin-ita-wto-ngay-7-5-2025-xem-xet-mo-rong-thanh-vien-tham-gia-ita-moi-lien-ke.html
Bình luận (0)