Bác sĩ CKI Bùi Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “2 tuần gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 lượt người khám bệnh/ngày, tăng hơn 10% so với cùng kỳ tháng trước. Bệnh viện bố trí 31 bàn khám, mở 8 cửa tiếp đón bệnh nhân, chú trọng công tác phân luồng người bệnh ngay từ khâu tiếp đón. Cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của khoa đi làm trước giờ hành chính 30 phút để kịp thời thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người dân đến khám bệnh.
Trong thời điểm giao mùa, một số bệnh truyền nhiễm thường gặp là sởi, quai bị, sốt xuất huyết, chân - tay - miệng, viêm não Nhật Bản, rối loạn tiêu hóa… Đối tượng dễ nhiễm bệnh là người có hệ miễn dịch yếu, người già và trẻ nhỏ, mắc các bệnh lý nền.
Các bệnh truyền nhiễm có thể tiến triển nặng, gây dịch trên diện rộng với số ca mắc tăng cao nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Vì vậy, trong thời điểm giao mùa, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng bùng phát trở lại với số ca mắc tăng cao tại một số quốc gia trên thế giới, mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý; khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Đối với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận 1 ca mắc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số ca mắc tăng cao trong thời gian gần đây là sởi, cúm mùa, tiêu chảy, thủy đậu... Đối với dịch sởi, tổng số ca mắc lũy tích được ghi nhận là gần 200 trường hợp; đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ. Nhiều ca bệnh do được phát hiện muộn, điều trị không kịp thời nên đã gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm màng não ở bệnh nhi.
Nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi với quy mô lớn. Sau khi hoàn thành 2 chiến dịch, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cho nhóm trẻ đủ 6 tháng tuổi đạt 95,5%; nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi đạt 97%; nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi đạt 97,8%; nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi đạt 97,7%; nhóm trẻ từ 11 - 15 tuổi đạt 98%.
2 chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi được thực hiện đạt hiệu quả đã góp phần tăng miễn dịch trong cộng đồng. Công tác tiêm chủng được triển khai đảm bảo an toàn, không ghi nhận sự cố tiêm chủng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng vào thời điểm giao mùa, bảo vệ sức khỏe nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng phương án, kế hoạch chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh; thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; tăng hiệu quả truyền thông các biện pháp phòng bệnh; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế; nâng cao hiệu quả các chương trình tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan phối hợp với ngành Y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong trường học; kịp thời phát hiện bệnh truyền nhiễm trên động vật có nguy cơ lây lan sang người; truyền thông giáo dục, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Quỳnh Hương
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128553/Phong-chong-dich-benh-thoi-diem-giao-mua
Bình luận (0)