
Đây là đợt khai quật chính thức đầu tiên tại khu vực này, sau phát hiện một mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh vào năm 2021. Hoạt động này nhằm bổ sung tư liệu cho bản đồ khảo cổ học tỉnh Quảng Nam và làm rõ sự phân bố của văn hóa Sa Huỳnh trong khu vực
Địa điểm khai quật nằm trên diện tích 80m², trong đó 20m² dành cho thăm dò và 60m² cho khai quật. Các hiện vật thu thập được sẽ được bảo quản và báo cáo Bộ VH-TT&DL để đề xuất phương án bảo vệ và phát huy giá trị.
TS.Hà Thị Sương - Ban Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Nam, người chủ trì thăm dò, khai quật tại Lạc Câu cho biết, năm 2021, trong quá trình canh tác, người dân địa phương đã phát hiện một mộ chum trên mảnh đất vườn tại đây. Sau khi nhận được thông tin từ người dân, Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành xử lý di vật khảo cổ này.
Ngay tại Lạc Câu đã phát hiện một chum có hình thức mai táng và cách thức sắp đặt các đồ tùy táng tương tự như các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh khác. Loại chum hình trụ với nắp hình nón cụt, miệng chum có các cặp lỗ đối xứng phổ biến trong giai đoạn phát triển của văn hóa Sa Huỳnh.
Chum được đặt trực tiếp trên nền đất cát, đồ gốm tùy táng đặt bên ngoài và trong lòng chum. Các đồ tùy táng bằng sắt, đồng, đồ trang sức đặt trong lòng và sát đáy chum.
Ông Trần Văn Đức - Phó ban Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Nam cho biết, việc khai quật khảo cổ tại Lạc Câu được kỳ vọng sẽ thu thập thêm những hiện vật có giá trị, tiếp tục hoàn thiện bản đồ khảo cổ học tỉnh Quảng Nam và góp phần khẳng định chiều sâu cũng như sự phân bố rộng khắp của văn hóa Sa Huỳnh tại xứ Quảng.
Địa điểm Lạc Câu nằm gần nơi sông Trường Giang và sông Thu Bồn hòa vào nhau chảy ra biển Cửa Đại, có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thương cổ đại. Khai quật tại đây hứa hẹn cung cấp thêm thông tin về văn hóa Sa Huỳnh và sự phát triển của cư dân cổ đại ven biển miền Trung.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-to-chuc-khai-quat-khao-co-tai-dia-diem-lac-cau-3154721.html
Bình luận (0)