Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quyết tâm “cởi trói” thủ tục đất đai

- Kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Tuyên Quang đạt 65,99 điểm, tăng nhẹ so với mức 65,45 điểm của năm 2023. Điểm nghẽn lớn, cản trở đà bứt phá vị trí của tỉnh chính là chỉ số tiếp cận đất đai.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang20/05/2025

Thách thức trong tiếp cận đất đai

Trong các chỉ số thành phần bị giảm điểm như gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức thì chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh giảm điểm nhiều nhất từ 6,86 điểm năm 2023 xuống còn 5,66 điểm năm 2024.  

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Tiếp cận đất đai vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp, trong đó trở ngại lớn nhất là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai bao gồm: mua, chuyển nhượng, thuê đất từ Nhà nước… Tiếp đến là các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian; quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định; giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Nới lỏng cơ chế tiếp cận đất đai, Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) đang trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, một lý do có thể giải thích cho sự gia tăng những trở ngại này là Luật Đất đai mới có hiệu lực vào tháng 8-2024, nhưng việc ban hành một số văn bản hướng dẫn chưa theo kịp dẫn đến những trở ngại khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan có cả những nguyên nhân chủ quan. Đó là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện các thủ tục đất đai vẫn còn hạn chế; quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư thiếu, chưa kể tỷ lệ bao phủ quy hoạch xây dựng thấp... Chính những trở ngại này dù không mong muốn cũng khiến một số doanh nghiệp phải trì hoãn, hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, điều này đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội đầu tư và sớm gia nhập thị trường của các doanh nghiệp.  

Đại diện Công ty CP Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG chia sẻ, sau hơn 3 năm được chấp thuận đầu tư, đến nay công ty vẫn chưa hoàn thiện xong giai đoạn 1 để đi vào sản xuất. Nguyên nhân là doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục thuê đất do chưa giải phóng được mặt bằng.

Quyết tâm lấy lại vị trí

Quyết tâm “cởi trói” thủ tục trong lĩnh vực đất đai đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào tỉnh, tại nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định: Thành công của doanh nghiệp là thành công chung của tỉnh. Do đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, từ quy hoạch, giao đất, cho thuê đất đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai; thực hiện điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Nâng cao chỉ số về tiếp cận đất đai, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, ngành đã và đang thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp. Ngành tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND tỉnh thực hiện cắt giảm những thủ tục không cần thiết; đồng thời công bố các thủ tục để người dân, doanh nghiệp theo dõi nắm rõ. Ngành cũng đang nỗ lực để rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ liên quan đến đất đai; áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của quá trình xử lý; nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công việc. Riêng về vấn đề quỹ đất, ngành đã tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, thể thao, giao thông… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thủ tục đất đai là khâu cuối cùng để triển khai dự án đầu tư. Do đó để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trách nhiệm không chỉ riêng của ngành Nông nghiệp và Môi trường mà của cả các ngành liên quan, các huyện, thành phố.

Theo đồng chí Đinh Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, UBND huyện đang tăng cường tuyên truyền, công bố, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về lĩnh vực đất đai. Doanh nghiệp, người dân gặp vướng mắc có thể gọi điện trực tiếp cho đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, địa chỉ hộp thư điện tử (gmail): ubndyensontuyenquang@gmail.com. Đồng thời công khai quy trình, thời gian xử lý từng loại hồ sơ trên hệ thống điện tử, có thông báo tiến độ rõ ràng. Điều này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, người dân, doanh nghiệp không còn bị động và cũng hạn chế tiêu cực phát sinh.

Quyết tâm “cởi trói” thủ tục trong lĩnh vực đất đai không chỉ là một giải pháp tình thế để cải thiện chỉ số PCI, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Với những hành động cụ thể và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đang cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của tỉnh trong việc tháo gỡ “điểm nghẽn”, bứt phá vươn lên trên bảng xếp hạng PCI, khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/quyet-tam-coi-troi-thu-tuc-dat-dai-212126.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm