Những cánh hoa hồng, những bông hồng đỏ thắm dần dần xuất hiện trên màn hình LED của sân khấu vở diễn Tin ở hoa hồng, bản dựng của "Táo Giao thông"- NSƯT Chí Trung. Tư duy "cánh hồng, đóa hồng" trong Tin ở hoa hồng lặp đi lặp lại khá nhiều trong nhiều vở diễn sân khấu qua nhiều năm. Nó không gợi mở được nhiều cảm xúc, cũng không khiến khán giả ồ lên vì những hiệu ứng đã mắt, đã tai.
Sân khấu xiếc Việt muốn có những hiệu ứng như Cirque du Soleil
ẢNH: NHÀ HÁT NGÔI SAO
Thách thức về hiệu ứng kỹ xảo, âm thanh ánh sáng với các nhà hát kịch, nhà hát ca múa nhạc là vô cùng lớn. Đặc biệt trong thời kỳ các show âm nhạc như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi cùng các concert vĩ thanh trưng trổ liên tục những hiệu ứng hấp dẫn và tư duy độc đáo. Cuộc chạy đua thuyết phục khán giả để chạm ví khán giả, rõ ràng, đã quá chênh lệch, trong đó nhà hát chiếm thế yếu hơn.
Nếu các show ca nhạc vĩ thanh kiểu Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi được sản xuất rất nhanh, gọn để đón hiệu ứng từ chương trình thì các chương trình nhà hát có thể chậm hơn, nhắm tới mục tiêu biểu diễn lâu dài. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, chia sẻ: "Trên thế giới, Cirque du Soleil (nổi tiếng với những chương trình xiếc kết hợp hiệu ứng công nghệ, mỹ thuật đẹp mắt - TN) mất 2 năm để xây dựng một show diễn với công nghệ tích hợp. Nghệ sĩ phải tập trung, trau dồi hơn nữa khi biểu diễn cùng âm nhạc, ánh sáng, mapping…".
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh vào kỹ năng biểu diễn, tương tác với công nghệ của các nghệ sĩ. "Nếu biểu diễn theo truyền thống, nghệ sĩ chỉ phô diễn trên sân khấu. Ứng dụng công nghệ đòi hỏi gấp đôi thời gian, tương tác với âm thanh, ánh sáng thật chuẩn tới từng ô nhịp", NSND Tống Toàn Thắng nói. Điều này cũng lý giải việc các nghệ sĩ được luyện tập theo hướng nghệ sĩ biểu diễn thuận lợi hơn khi tham gia các chương trình có yêu cầu tương tác âm thanh ánh sáng hiện đại cao.
Một đạo diễn sân khấu cho biết công nghệ là tiền, nhất là tiền mua sắm trang thiết bị. Với tốc độ phát triển và giá cả thiết bị hiện nay, các đơn vị biểu diễn chấp nhận thuê dàn công nghệ âm thanh ánh sáng để làm chương trình chứ không mua thiết bị về. Chính vì thế, họ rất thích nếu địa điểm biểu diễn, nhà hát có sẵn những điều kiện đó.
Chẳng hạn, NSND Tống Toàn Thắng cho biết rất vui khi hợp tác với Nhà hát Ngôi Sao (Hà Nội) - nơi có hệ thống sân khấu bán nguyệt hiện đại, công nghệ trình chiếu đa lớp như màn gauze trong suốt, panel di động và màn LED kích thước lớn. "Chúng giúp khán giả tưởng tượng và khuếch đại lan tỏa cảm xúc", ông Thắng nói. Bên cạnh Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Kịch VN cũng hợp tác để tổ chức biểu diễn tại đây.
Mặc dù vậy, không thể không nhắc đến tư duy thiết kế hiệu ứng âm thanh ánh sáng bên cạnh yếu tố kỹ thuật. Còn nhớ, khi Nhà hát Kịch VN sản xuất Bóng rối, chính tư duy của các nghệ sĩ thiết kế là yếu tố quan trọng nhất làm nên hiệu ứng mỹ thuật của vở diễn, với những màn diễn bằng bóng, bằng rối do thiết kế mỹ thuật Hà Nguyên Long (người học thiết kế sân khấu từ Pháp trở về) sáng tạo.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/san-khau-chay-theo-show-am-nhac-185250710202457469.htm
Bình luận (0)