Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sân khấu về hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân: Gần gũi, chân thực, lay động

Sân khấu về hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân gần đây dần thay đổi được quan niệm cho rằng đề tài này là khô khan, khó tiếp nhận.

Hà Nội MớiHà Nội Mới13/07/2025

Từ những vở diễn về đại án tham nhũng, tội phạm công nghệ cao đến những câu chuyện cảm động về người lính cứu hỏa, cảnh sát hình sự vùng biên, sân khấu đã và đang khắc họa hình tượng chiến sĩ công an vừa quả cảm, trí tuệ vừa rất đỗi đời thường. Hiện thực phong phú là “mảnh đất” màu mỡ để sân khấu lay động trái tim khán giả hôm nay.

san-khau.jpg
Một cảnh trong vở “Đoạn kết” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Đa sắc màu đề tài, đa thanh điệu nghệ thuật

Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ V năm 2025 vừa diễn ra từ ngày 24-6 đến 7-7, là đợt tập hợp sáng tác sân khấu lớn về đề tài này. 25 vở diễn đến từ 21 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài ngành, trải rộng trên các loại hình sân khấu như kịch nói, chèo, cải lương, dân ca ví giặm, ca kịch Huế, ca kịch bài chòi… cho thấy, hình tượng chiến sĩ công an được quan tâm, thể hiện đa sắc màu, đa thanh điệu nghệ thuật.

Dù là đề tài được khai thác nhiều, nhưng Nhà hát Kịch Công an nhân dân vẫn tìm được hướng mới qua hai vở diễn “Người thứ ba” và “Hoa lửa”. “Người thứ ba” lấy cảm hứng từ những chiến sĩ tình báo từng là sinh viên, nghệ sĩ hoạt động trong lòng địch. “Hoa lửa” lại khai thác hình tượng chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm, sự hy sinh.

Không phải là đề tài sở trường nhưng với đặc thù đều thuộc lực lượng vũ trang, Nhà hát Kịch nói Quân đội có hai tác phẩm ghi dấu ấn. Trong khi vở kịch “Không gục ngã” tái hiện cuộc chiến cam go chống tội phạm ma túy, nhấn mạnh bản lĩnh thép và sự hy sinh thầm lặng của lực lượng cảnh sát hình sự, thì vở “Nhân tình” lại khắc họa hình tượng nữ chiến sĩ công an mưu trí, kiên cường, giàu lòng nhân ái. Cả hai vở diễn đều lan tỏa thông điệp nhân văn, đề cao vẻ đẹp người chiến sĩ Công an nhân dân trong thời bình.

Các đơn vị nghệ thuật khác đều có những tác phẩm mang màu sắc riêng biệt. Nhà hát Kịch Việt Nam với “Ngược chiều bình an”; Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có “Trời xanh nơi đáy vực”; Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh ấn tượng với “Cuộc đoàn tụ của cảm xúc”; Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn có “Sấm dậy cửa Lạch Hới”… Mỗi tác phẩm khắc họa sinh động hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trên nhiều mặt trận, như đấu tranh chống tội phạm ma túy, tội phạm tham nhũng, tội phạm công nghệ cao; phòng cháy, chữa cháy…

Truyền cảm hứng phụng sự

Phải khẳng định rằng, đề tài về hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân luôn hấp dẫn với người làm sân khấu. Hiện thực đời sống đầy thách thức và sinh động trong việc bảo đảm an ninh, trật tự và sự bình yên cho xã hội là “mảnh đất” màu mỡ cho người làm nghệ thuật gieo trồng cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, để có được một tác phẩm sân khấu chân thực, lay động và hấp dẫn khán giả hiện nay không dễ.

Nhà viết kịch Chu Thơm, tác giả vở “Nhân tình” chia sẻ, vở kịch hướng đến lớp khán giả trẻ, những người quen tiếp nhận thông tin qua công nghệ, nên để thuyết phục được phải có chất đời, có chiều sâu và gần gũi. Hình ảnh người chiến sĩ công an được tái hiện không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải thấu tình, đạt lý, sống giữa dân và vì dân.

Đồng quan điểm, Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội nhận định, sân khấu hôm nay đang thay đổi cách tiếp cận đề tài này. Đó là sự không khuôn mẫu, không lý tưởng hóa một chiều, mà chạm đến đời sống, khắc họa người chiến sĩ công an có nội tâm, có trăn trở, có lựa chọn và cả sự hy sinh. Điều đó tạo sự gần gũi và cảm xúc cho khán giả.

Nhiều vở diễn sân khấu lấy cảm hứng từ chuyện có thật trong đời sống, như vở “Ngược chiều bình an”, kể về sự hy sinh anh dũng của ba chiến sĩ cảnh sát khi làm nhiệm vụ chữa cháy.

Đạo diễn Kiều Minh Hiếu chia sẻ, ê kíp thực hiện vừa muốn qua đây tôn vinh và tri ân những người lính cứu hỏa quả cảm, vừa mong góp phần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng. Để làm được những điều đó thì trước tiên vở kịch phải hấp dẫn, từ các tình huống chân thực, đời thường đến việc sử dụng công nghệ sân khấu hiện đại, tạo cảnh diễn mãn nhãn cho người xem.

Một khía cạnh nữa, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân mang tính đặc thù cao. Vì vậy, hầu hết các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là ngoài ngành, đều phải đầu tư nghiêm túc, tham vấn và có sự hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ từ các lực lượng trong ngành để bảo đảm tính chân thực.

Nghệ sĩ Thế Nguyên tham gia vở “Ngược chiều bình an” cho biết, để vào vai chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, anh đã phải tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát và đi thực tế tại đơn vị chuyên nghiệp.

Tiến sĩ, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ V nhận định, mỗi vở diễn có thủ pháp nghệ thuật và phong cách khác nhau, song đều chung một điểm là ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân mưu trí, dũng cảm, giàu lòng nhân ái và luôn lấy sự bình yên của nhân dân làm lẽ sống.

Đáng mừng là nhiều tác phẩm không chỉ dàn dựng để tham dự liên hoan mà đã đi vào đời sống, thường xuyên "sáng đèn" và bán vé tốt, góp phần lan tỏa giá trị nhân ái, truyền cảm hứng phụng sự, bồi đắp lý tưởng sống đẹp trong cộng đồng.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/san-khau-ve-hinh-tuong-chien-si-cong-an-nhan-dan-gan-gui-chan-thuc-lay-dong-708963.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm